• :
  • :

Hà Nội chủ động trong công tác lấy nước gieo cấy vụ Xuân

(24/12/2024)

Mục tiêu của Hà Nội là chủ động cao nhất trong công tác lấy nước vụ Xuân 2025 nhằm tận dụng hiệu quả các đợt tăng cường xả nước từ các hồ chứa thủy điện; cố gắng lấy đủ nước trong thời gian của hai đợt xả, không để phát sinh thêm thời gian lấy nước.

Sẽ có hai đợt lấy nước phục vụ gieo cấy

Vụ Xuân hàng năm được xem là vụ sản xuất lúa lớn nhất trong năm của không chỉ Hà Nội mà toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Đây cũng là vụ mùa có nhu cầu cao về nguồn nước cấp phục vụ làm đất, đổ ải, gieo cấy.

Để bảo đảm hiệu quả sản xuất vụ Xuân 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông báo số 9193/TB-BNN-TCTL về lịch lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Xuân 2025 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội).

Theo đó, trong vụ Xuân 2025, sẽ có 2 đợt xả tăng cường từ các hồ chứa thuỷ điện, bổ sung nguồn nước cho hạ du, với tổng cộng 12 ngày. Cụ thể, đợt 1: từ 0 giờ 00’ ngày 12/1 đến 24 giờ 00’ ngày 16/1/2025 (5 ngày); đợt 2: từ 0 giờ 00’ngày 8/2 đến 24 giờ 00’ ngày 14/2/2025 (7 ngày).

Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, trên cơ sở Thông báo số 9193/TB-BNN-TCTL, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn gửi các quận, huyện, thị xã, 4 doanh nghiệp thuỷ lợi và các đơn vị liên quan đề nghị tập trung triển khai công tác lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2025.

Hà Nội chủ động trong công tác lấy nước gieo cấy vụ Xuân

Các địa phương chủ động lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân

“Mục tiêu của Hà Nội là chủ động cao nhất trong công tác lấy nước vụ Xuân 2025 nhằm tận dụng hiệu quả các đợt tăng cường xả nước từ các hồ chứa thủy điện; cố gắng lấy đủ nước trong thời gian của hai đợt xả, không để phát sinh thêm thời gian lấy nước…”, ông Nguyễn Duy Du thông tin thêm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà, sau khi có công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, địa phương đã có văn bản gửi đến các xã, thị trấn, đề nghị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân biết về lịch lấy nước và nâng cao nhận thức trong sử dụng nước tiết kiệm; thực hiện củng cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước mặt ruộng, tránh thất thoát nguồn nước.

“Huyện cũng đang rà soát những diện tích trồng lúa có khả năng không đảm bảo đủ nước tưới để nghiên cứu đề xuất phương án chuyển đổi sang cây trồng cạn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với xí nghiệp thủy lợi trong việc quản lý vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi trên địa bàn…”, bà Hoàng Thị Hà cho biết thêm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thuỷ lợi của Hà Nội cũng đang rốt ráo rà soát, đánh giá khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi dọc sông phù hợp với điều kiện mực nước dự kiến trong các đợt lấy nước. Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp công trình lấy nước, bảo đảm đưa nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng.

Chủ tịch Công ty TNHH MTV thuỷ lợi sông Đáy Trần Đình Cường cho biết, đơn vị đang theo dõi sát diễn biến mực nước trên hệ thống các sông; chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc tranh thủ mực nước hiện tại cho phép để chủ động vận hành các trạm bơm, tổ chức lấy nước sớm (trước khi các hồ chứa thuỷ điện xả nước về hạ du theo kế hoạch).

Rà soát, đánh giá khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi

Liên quan đến công tác chống hạn vụ Xuân 2025, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Quyến đề nghị các doanh nghiệp thuỷ lợi lưu ý tình trạng mực nước sông có thể hạ thấp hơn vì lòng dẫn sông biến động do ảnh hưởng của lũ sau cơn bão số 3 (Yagi).

Các công trình có nguy cơ lấy nước không hiệu quả như trạm bơm Ấp Bắc, cống Liên Mạc và khu vực tưới do trạm bơm dã chiến Phù Sa phụ trách. Trên cơ sở đó, có giải pháp bổ sung nguồn nước hoặc thay thế trong trường hợp cần thiết; tuyệt đối không để thiếu nước sản xuất vụ Xuân 2025.

Hà Nội chủ động trong công tác lấy nước gieo cấy vụ Xuân

Ngành nông nghiệp Thủ đô đề nghị các doanh nghiệp thuỷ lợi lưu ý tình trạng mực nước sông có thể hạ thấp hơn vì lòng dẫn sông biến động do ảnh hưởng của lũ sau cơn bão số 3 (Yagi).

Để đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy và tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện, trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo: Rà soát, đánh giá khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi dọc sông với mực nước dự kiến trong các đợt lấy nước. Các công trình có nguy cơ lấy nước không hiệu quả cần có giải pháp đảm bảo bổ sung thay thế nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp với lịch lấy nước tại thông báo, bảo đảm cung cấp đủ nước cho các diện tích gieo cấy có nhu cầu lấy nước từ hệ thống sông Hồng trong 2 Đợt lấy nước.

Cùng với đó cần tăng cường các giải pháp giữ nước trên ruộng trong thời gian dài giữa Đợt 1 và Đợt 2 lấy nước (22 ngày), bảo đảm hạn chế tối đa việc thất thoát, lãng phí nước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia tổ chức vận hành các nhà máy thủy điện để tăng cường nguồn nước về hạ du, đảm bảo duy trì dòng chảy theo yêu cầu của lịch lấy nước. Đồng thời, bảo đảm nguồn điện ổn định cho vận hành hiệu quả các trạm bơm lấy nước.

Link bài gốc Copy link