• :
  • :

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu gạo

(17/07/2025)

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu tăng về lượng, giảm về giá

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo đạt 4,9 triệu tấn và 2,54 tỷ USD, tăng 7,6% về khối lượng nhưng giảm 12,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu tăng 7,6%, nhưng nghịch lý là giá trị lại giảm tới 12,2%. Giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt khoảng 517,5 USD/tấn, giảm mạnh gần 18,4% so với năm trước.

Điều đáng chú ý là sự chênh lệch về lượng, giá này đang phản ánh rõ nét tình trạng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường gạo toàn cầu. Khi các “ông lớn” như Ấn Độ, Thái Lan mở lại xuất khẩu và đẩy mạnh lượng gạo ra thị trường với mức giá thấp hơn, Việt Nam dù có lợi thế về chất lượng vẫn phải chịu sức ép hạ giá để giữ thị phần.

Hoạt động xuất khẩu gạo đang gặp một số khó khăn (Ảnh: Cấn Dũng)

Hoạt động xuất khẩu gạo đang gặp một số khó khăn (Ảnh: Cấn Dũng)

Một lý do khác khiến giá xuất khẩu giảm là do cơ cấu thị trường có sự dịch chuyển. Dù Philippines vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 41% lượng xuất khẩu gạo, nhưng giá trị xuất khẩu sang quốc gia này lại giảm gần 17%. Trong khi đó, các thị trường châu Phi như Ghana, Bờ Biển Ngà tăng trưởng vượt bậc lần lượt đạt mức tăng 88% và hơn 170%, nhưng giá nhập khẩu trung bình lại thấp hơn khá nhiều so với các thị trường truyền thống.

Trong bức tranh này, điểm sáng hiếm hoi đến từ Bangladesh, nơi lượng nhập khẩu gạo từ Việt Nam tăng gấp 515 lần, một bước nhảy ngoạn mục phản ánh sự chủ động về xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp gạo Việt.

Đáng chú ý, giá gạo trắng thường 5% tấm, vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từng bị ép xuống dưới 390 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 18 tháng. Trong khi đó, gạo thơm như ST25 vẫn có thể đạt mức giá từ 650 - 1.200 USD/tấn, cho thấy khoảng cách lớn về giá trị giữa các phân khúc.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo

Đối diện thực tế này, các chuyên gia ngành hàng và doanh nghiệp đều khẳng định: Chìa khóa nằm ở việc tái định vị chiến lược xuất khẩu, cả về thị trường lẫn sản phẩm.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thay vì đua nhau về sản lượng, ngành lúa gạo Việt Nam đang cần một cuộc dịch chuyển mạnh mẽ sang các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao như gạo hữu cơ, gạo thơm, gạo Japonica sạch, phát thải thấp. Đây là những sản phẩm được các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… ưa chuộng và sẵn sàng trả giá cao nếu đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Chương trình “1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai đang là điểm tựa quan trọng cho quá trình chuyển đổi này.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hoá thị trường cho gạo Việt Nam cũng đang được Bộ Công Thương tăng cường triển khai. Trong đó, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, các thị trường như châu Phi, Trung Đông và Nam Á cũng đang mở ra nhiều cơ hội, miễn là doanh nghiệp đủ khả năng điều chỉnh sản phẩm, bao bì, logistics cho phù hợp.

Thêm nữa, thỏa thuận thương mại gạo vừa ký giữa Việt Nam - Indonesia và kế hoạch xúc tiến mở rộng sang Trung Quốc, Bangladesh, Ghana… chính là những bước đi cần thiết để “cân lại” thị trường xuất khẩu gạo trong bối cảnh đầy biến động hiện nay. Chưa kể, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu...

Xuất khẩu gạo đang đối diện với những quy định kỹ thuật ngày càng khắt khe từ các nước nhập khẩu. Việc nhà nước và các hiệp hội, ngành hàng chủ động đàm phán cấp chính phủ, xây dựng hàng rào kỹ thuật ngược và hỗ trợ doanh nghiệp bằng các công cụ phòng vệ thương mại sẽ giúp tạo “lá chắn” bảo vệ cho hạt gạo Việt.

Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xuất khẩu gạo, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP trước đó. Nghị định này đánh dấu bước cải cách mạnh mẽ, tạo môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Việc ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP được đánh giá là cú hích giúp đa dạng hóa doanh nghiệp tham gia thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và chuyển hướng từ xuất khẩu gạo số lượng sang giá trị gia tăng.

Sau khi Nghị định 107 triển khai được 7 năm, năm 2025, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 01/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 sửa đổi một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với hoạt động xuất khẩu gạo. Tại Nghị định này, Chính phủ đã đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời, điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới.

Để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp. Đơn cử, ngày 20/5/2025, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cùng Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang (nay là tỉnh Đồng Tháp) tổ chức Hội nghị về công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2025. Bên cạnh việc đánh giá kết quả xuất khẩu gạo trong thời gian qua, hội thảo còn lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP. Đây là nội dung quan trọng nhằm cập nhật, điều chỉnh các quy định để phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và phù hợp hơn với thực tiễn kinh doanh, xuất khẩu gạo hiện nay.

Thông qua hội nghị, cơ quan quản lý đã lắng nghe, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các tổ chức, cá nhân và các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó, các đơn vị quản lý sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các quy định hiện hành theo hướng minh bạch, hiệu quả và phù hợp thực tiễn.

Ngay sau đó, sáng 17/7, Bộ Công Thương tiếp tục họp về xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP nhằm tiếp tục lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện sửa đổi nghị định này để tạo hành lang pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động xuất khẩu gạo.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024.

Tác giả: Bảo Ngọc