• :
  • :

Thức thâu đêm: Chiến lược ôn thi sai lầm của học sinh cuối cấp

(09/05/2025)

Gần đến kỳ thi, nhiều học sinh cuối cấp đang rơi vào vòng xoáy "học ngày học đêm" với hy vọng bù đắp kiến thức và bứt phá trong giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, việc ngủ ít, học nhiều không chỉ khiến sức khỏe thể chất và tinh thần sa sút, mà còn phản tác dụng trong việc ghi nhớ và tiếp thu kiến thức.

Những cuộc chạy đua không ngủ

Khi chỉ còn hơn mông tháng là đến kỳ thi chuyển cấp và tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh lựa chọn rút ngắn thời gian nghỉ ngơi để tăng thời gian học tập. Từ học sinh lớp 9 chuẩn bị vào lớp 10 đến học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách, ai cũng cảm thấy “không đủ thời gian”.

Trong mùa thi nhiều học sinh tranh thủ học thâu đêm suốt sáng dẫn đến tình trạng mệt mỏi
Trong mùa thi nhiều học sinh tranh thủ học thâu đêm suốt sáng dẫn đến tình trạng mệt mỏi

Nguyễn Thị Khánh Linh, học sinh lớp 12 trường THPT Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi ngày em ngủ khoảng 5 - 6 tiếng. Ban ngày đi học trên lớp và học thêm, tối về em học đến tận 1 giờ sáng mới ngủ. Sáng 6 giờ lại phải dậy đi học tiếp".

Không riêng Linh, nhiều học sinh khác cũng đang rơi vào trạng thái học tập căng thẳng, thiếu ngủ nghiêm trọng. Các nhóm học online vẫn hoạt động rầm rộ lúc 1–2 giờ sáng, với lịch trình “cày đề” dày đặc.

Tâm lý chung của nhiều em là sợ bị tụt lại phía sau, sợ không đủ thời gian để gỡ điểm yếu, đặc biệt là với những môn xét tuyển quan trọng. Điều đáng lo là nhiều phụ huynh cũng ủng hộ lịch học dày đặc và xem việc thức khuya học bài là biểu hiện của sự chăm chỉ, cầu tiến.

Gần đến kỳ thi, học sinh tranh thủ “học ngày học đêm” với hy vọng bù đắp kiến thức và bứt phá trong giai đoạn nước rút
Gần đến kỳ thi, học sinh tranh thủ “học ngày học đêm” với hy vọng bù đắp kiến thức và bứt phá trong giai đoạn nước rút

Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục và y tế đều khẳng định: Đây là cách học phản khoa học và gây hại nhiều hơn lợi. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc củng cố trí nhớ, phục hồi năng lượng và duy trì sự tỉnh táo. Ngủ đủ giúp não bộ xử lý và lưu trữ thông tin đã học trong ngày, đồng thời cải thiện khả năng tập trung và tư duy logic.

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Diễm Khuê, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Chi hội Bệnh lý mất ngủ Việt Nam cho biết, trẻ trong độ tuổi THCS, THPT thì nên ngủ mỗi ngày từ 8 tới 10 tiếng. Mỗi giấc ngủ trưa khoảng 30 phút mỗi ngày. Nếu thời gian ngủ buổi tối không đủ, thì cần bổ sung sang giờ ngủ trưa.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Khuê, thời gian ngủ tối và thời gian ngủ trưa là 10 tiếng nhưng nó sẽ không phải là phép cộng cơ học "5+5=10". Hoàn toàn không hề tốt nếu học sinh ngủ ban đêm chỉ 5 tiếng nhưng ngủ trưa cũng 5 tiếng, dù thời gian cả ngày ngủ vẫn là 10 tiếng nhưng về lâu dài có hại cho sức khỏe.

Ngủ đủ giấc để học hiệu quả hơn

Nhiều học sinh lớp 12 hiện nay không đảm bảo ngủ từ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Đây là dấu hiệu cảnh báo về một văn hóa học tập đang lệch chuẩn, khi thời gian nghỉ ngơi bị hy sinh cho kỳ vọng điểm số.

Nhiều học sinh cuối cấp thức thâu đêm để ôn luyện với mong muốn đạt được điểm cao trong kỳ thi sắp tới (Ảnh minh hoạ)
Nhiều học sinh cuối cấp thức thâu đêm để ôn luyện với mong muốn đạt được điểm cao trong kỳ thi sắp tới (Ảnh minh hoạ)

Một số trường học và giáo viên đã nhận ra điều này, họ khuyến khích học sinh ôn thi theo hướng chất lượng hơn số lượng. Cô Nguyễn Thị Tỵ, giáo viên môn Văn trường THPT Cổ Loa (Đông Anh) chia sẻ: “Tôi luôn nói với học sinh: Học 1 giờ tỉnh táo có giá trị hơn học 3 giờ trong trạng thái buồn ngủ. Thời gian nghỉ ngơi chính là lúc não bộ xử lý sâu kiến thức, không phải lúc bỏ đi".

Một xu hướng mới trong cộng đồng học sinh là “ôn thi lành mạnh”, khuyến khích học đủ, ngủ đủ và tập thể dục nhẹ nhàng để duy trì tinh thần thoải mái trong mùa thi. Một số bạn trẻ chia sẻ lịch trình học xen kẽ nghỉ ngơi, sử dụng kỹ thuật Pomodoro (học 25 phút, nghỉ 5 phút) hay tập thiền, yoga để giải tỏa áp lực.

Ngoài ra, việc ôn thi có chiến lược, tập trung vào trọng tâm kiến thức, luyện đề hiệu quả và hệ thống hóa lại bài học, cũng được đánh giá cao hơn so với học tràn lan thiếu định hướng. Nhiều trung tâm luyện thi hiện nay cũng khuyến khích học sinh lập kế hoạch học thông minh thay vì chỉ gia tăng khối lượng học.

Phân bổ thời gian học tập khoa học và giữ gìn sức khỏe mới là chìa khóa thành công bền vững
Phân bổ thời gian học tập khoa học và giữ gìn sức khỏe mới là chìa khóa thành công bền vững

Kỳ thi nào cũng quan trọng, các em học sinh cần hiểu đúng về việc ôn tập đúng cách. Các trường học cũng nên tổ chức những buổi tư vấn tâm lý, hướng dẫn phương pháp học tập khoa học, tránh tạo ra áp lực điểm số quá mức lên học sinh.

Về phía học sinh, hãy coi giấc ngủ đủ là một phần không thể thiếu của hành trình ôn thi, không phải là "thời gian chết”. Những kết quả cao nhất sẽ không đến từ những đêm thức trắng mà đến từ sự tỉnh táo, kiên trì và lộ trình ôn thi hợp lý.

 

 
Link bài gốc Copy link