• :
  • :

Ngành da giày cần đẩy mạnh mở rộng thị trường mới nhờ lợi thế từ các FTA

(25/10/2024)

Nhờ tận dụng tốt các lợi thế của FTA, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đến hết năm 2024 ước đạt 26-27 tỷ USD.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp Hội Da giày - Túi xách Việt Nam đã có những chia sẻ về vấn đề này tại Toạ đàm "Xúc tiến thương mại, tạo “đòn bẩy” cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo" do Báo Công Thương tổ chức chiều 24/10.

Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự tăng trưởng tích cực. Bà có đánh giá như thế nào về tình hình sản xuất, xuất khẩu của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung, ngành da giày - túi xách nói riêng?

Ngành da giày cần đẩy mạnh mở rộng thị trường mới nhờ lợi thế từ các FTA
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp Hội Da giày - Túi xách Việt Nam

Năm 2024, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có nhiều khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng. Trong đó, xuất khẩu ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, nhất là các khối thị trường EVFTA, CPTPP. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành đến hết năm 2024 ước đạt 26-27 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng Cục hải quan, xuất khẩu giày dép trong 9 tháng năm 2024 đạt 16,44 tỷ USD, tăng 12% và xuất khẩu túi xách đạt 3,0 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu của ngành da giày phục hồi mạnh mẽ từ những tháng cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024.

Xuất khẩu da giày vẫn tập trung chủ yếu vào 5 thị trường chính là Bắc Mỹ, EU, Châu Á, Nam Mỹ, Châu Úc trong đó 16 nước nhập lớn nhất như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan, Đức, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Australia, Mexico, UAE và Đài Loan.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải một số thách thức khi chính phủ các nước nhập khẩu đang đưa ra những quy định là rào cản cho xuất khẩu da giày Việt Nam.

Đó là yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với nguyên phụ liệu ngày càng trở nên chặt chẽ ở các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ; hay ngành da giày đang phải đối diện với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá ở một số thị trường tăng trưởng xuất khẩu đột biến như ở Mexico, hay như tại thị trường Ấn Độ, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các điều kiện kiểm soát trực tiếp và phải được cấp giầy chứng nhận mới có thể được xuất nhập khẩu vào thị trường này.

có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển thị trường và các nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với ngành hàng và doanh nghiệp trong thời gian qua?

Dệt may và da giày là hai ngành có độ mở lớn khi xuất khẩu đạt tới 60-70% sản lượng sản xuất, do đó phụ thuộc nhiều trước biến động của thị trường. Những căng thẳng chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác lớn còn chậm. Cùng đó, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao cũng tác động trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu.

Hơn nữa, thị trường xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, do đó các doanh nghiệp ngành da giày và dệt may ngoài việc củng cố và duy trì các khách hàng hiện tại còn cần phải khai thác, tìm kiếm mở rộng ra các thị trường mới đặc biệt là các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do,

Hiện các doanh nghiệp đang từng bước cải tiến và tìm các giải pháp thay đổi để đáp ứng phát triển bền vững kinh doanh tuần hoàn, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ngành da giày cần đẩy mạnh mở rộng thị trường mới nhờ lợi thế từ các FTA
Nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu của ngành da giày phục hồi mạnh mẽ

Do vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, Bộ Công Thương trong việc thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và tại các nước có thị trường tiêu thụ sản phẩm ngành da giày lớn. Đặc biệt, cần được hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản xuất để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, xanh hóa, đáp ứng chuyển đổi số, đổi mới công nghệ thiết bị tự động hóa…

có đánh giá gì về công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương trong thời gian qua về việc thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế tạo nói chung và sản phẩm da giày – túi xách nói riêng?

Hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian qua có những chuyển biến và phát huy hiệu quả tích cực. Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ cho hoạt động bán hàng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối hợp lý và có lợi thế. Từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí và đạt doanh thu cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trên thị trường một cách hiệu quả với nguồn lực của mình.

Thông qua các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đã giúp các doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo phát triển mở rộng được thị trường. Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc,… các chương trình xúc tiến thương mại đang mở rộng và phát triển ra các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, giúp các doanh nghiệp tiếp cận các đối tác mới, đồng thời nắm bắt được xu hướng sản phẩm, nhu cầu thị hiếu thị trường, góp phần thúc đẩy đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới. Tăng cường xúc tiến thương mại tiếp tục giữ vững và củng cố vị thế tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên, để hỗ trợ địa phương, ngành hàng trong việc thực hiện xúc tiến thương mại trọng tâm và có hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới, Hiệp hội kiến nghị các thương vụ Việt Nam tại các nước sở tại nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá tình hình thị trường, cập nhật các quy định, cơ chế chính sách mới của các nước để kịp thời tham mưu với Bộ Công Thương và Chính phủ nhằm có phản ứng chính sách hiệu quả. Đồng thời, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước dưới nhiều hình thức, đặc biệt là trong việc xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại, các vụ tranh chấp thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại.

Các thương vụ cũng cần cung cấp các thông tin và các khuyến nghị thiết thực giúp các Hiệp hội, ngành hàng trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo dựng thương hiệu, phát triển thị trường và khai thác có hiệu quả các FTA đã có hiệu lực tại khu vực châu Âu nhằm đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và các mặt hàng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước.