• :
  • :

Làm sao để giám sát rau sạch?

(29/09/2022)

Khi một ông chủ vườn rau sạch lớn hàng đầu ở Đà Lạt phải tìm đến báo chí để than một điều nghe kỳ lạ: “Rau sạch bây giờ, bán không ai mua, mua không ai bán”, thì người ta phải giật mình: Hóa ra, không chỉ người muốn ăn rau sạch khó tìm những mặt hàng rau đúng nguyện vọng của mình, mà người trồng rau sạch thực chất cũng chưa thể tìm được thị trường tiêu thụ trong nước với giá cả mình có thể có lời.

Những kinh nghiệm mở cửa hàng kinh doanh rau sạch bạn cần nhớ

Vì muốn tìm thị trường tiêu thụ, thì người sản xuất phải bán các loại rau theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của mình với giá mà nhà phân phối có thể mua. Giá ấy lại không phù hợp với “đầu vào” mà nhà sản xuất phải bỏ ra để có những sản phẩm rau sạch đúng chuẩn.
 
Nhà sản xuất trong khi không chê bai gì tiêu chuẩn VietGAP “thứ thiệt”, nhưng lại không thể biết sản phẩm bán ở thị trường trong nước qua các nhà phân phối dược dán nhãn VietGAP có đúng chất lượng như nhãn chứng nhận không? Bởi gần đây, người ta phát hiện, báo chí đã lên tiếng rất nhiều về các loại rau gọi là “rau sạch có dán nhãn VietGAP”, nhưng thực ra đều là “rau đểu” vì được thu gom ba vạ từ các chợ đầu mối và “dán nhãn” VietGAP mang vào bán trong các siêu thị. Đó là sự gian dối dẫn tới nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, dẫn tới những bệnh tật chết người cho người tiêu dùng khi họ tin vào sản phẩm có dán nhãn VietGAP mà họ mua từ các siêu thị.
 
Vấn đề là phải giám sát chặt chẽ từ hai khâu: khâu sản xuất của nông dân, của nhà sản xuất, cái này tuy khó nhưng có thể làm được nếu có những tổ chức giám sát tin cậy được. Nhưng khâu thứ hai, có vẻ dễ làm hơn, nhưng thực chất lại không dễ làm, là khâu giám sát chính những nhà phân phối, những đầu mối những nút phân phối, để ngăn chặn kịp thời những “thỏa thuận giả dối”, những gian lận khi “hô biến” trong nháy mắt rau bẩn thành rau sạch, có dán nhãn VietGAP hẳn hoi, đưa bán vào các siêu thị, và lừa dối khách hàng. Với thị trường thực phẩm Viêt Nam bây giờ, ở khâu nào mà lợi nhuận cao, thu nhập tốt, thì ở những khâu ấy rất thường xảy ra sự lừa dối khách hàng. Như người ta nói, bây giờ mua chứng nhận VietGAP cũng dễ như mua rau(?). 
 
Mục đích người làm “rau đểu” có nhãn mác rau sạch cũng chỉ nhằm thu lợi nhuận cao mà thôi. Người sản xuất, khi được giám sát chặt chẽ theo đúng chuẩn VietGAP, họ sẽ sản xuất đúng chuẩn được, nhưng lợi nhuận họ thu về không thể cao như khi họ sản xuất “rau hai mang”, bề ngoài có vẻ sạch, nhưng thực chất là bẩn. Nhưng nếu khâu giám sát thật công tâm và có trách nhiệm, thì người sản xuất khó “qua mặt” nhà giám sát. Còn ở khâu phân phối, “coi vậy mà khó à nghen!”. Vì “đống tiền đi trước” ở khâu này rất dễ thực hiện. Đây cũng là khâu dễ kiếm lời cao nhất, mà chẳng hề tham gia sản xuất. Vì thế, chuyện “chi để chạy” là chuyện rất dễ làm, và không dễ kiểm soát.        
 
Ông chủ vườn rau sạch Đà Lạt than thở: “Vấn đề lớn nằm ở chỗ khâu giám sát phương thức thực hành nông nghiệp VietGAP. Người ta cấp giấy chứng nhận khi chưa đánh giá hạ tầng sản xuất của nông dân: vườn, quy trình canh tác, nhật ký đồng ruộng, nhà sơ chế, nhà vệ sinh... Sau khi cấp giấy rồi không ai kiểm tra nông dân có làm đúng không. Còn ở khâu hậu kiểm, thực sự là chỉ trời biết đất biết. Tâm người khi bị áp lực của doanh số, lợi nhuận từ nhà phân phối thì méo mó ngay”.
 
Vậy mà đó chỉ là ở nhà sản xuất. Còn ở nhà phân phối, câu chuyện còn phức tạp hơn. Và ai sẽ là những đơn vị giám sát, đơn vị hậu kiểm đây ? Liệu họ có trung thực không, có nhận tiền hối lộ để “đổi trắng thay đen” không?