• :
  • :

Xuất nhập khẩu chính thức vượt mốc 600 tỷ USD, xuất siêu 21,24 tỷ USD

(18/10/2024)

Tính đến giữa tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 610,56 tỷ USD, xuất siêu 21,24 tỷ USD. Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của cả nước.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 10 (1-15/10), hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có nhiều khởi sắc khi duy trì quy mô kim ngạch lớn.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 16,15 tỷ USD. Trong đó, 4 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ đô gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, dụng cụ, phụ tùng; dệt may.

Ngoài ra, nhiều nhóm hàng đạt hàng trăm triệu USD như giày dép; thủy sản; rau quả; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép…

Tính từ đầu năm đến 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 315,9 tỷ USD.

Chiều ngược lại, nhập khẩu trong nửa đầu tháng 10 đạt 15,78 tỷ USD. Lũy kế hết 15/10, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 294,66 tỷ USD.

Như vậy, tính đến 15/10, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 610,56 tỷ USD.

Cán cân thương mại thặng dư 21,24 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu chính thức vượt mốc 600 tỷ USD, xuất siêu 21,24 tỷ USD
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực (Ảnh: Cấn Dũng)

Để đạt được kết quả này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm khoảng 87-88% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm khoáng sản và nông sản chỉ chiếm khoảng 12%. Đây là cơ sở để kim ngạch xuất nhập khẩu có dư địa tăng cao.

“Cơ cấu mặt hàng ngày càng đa dạng về chủng loại, quy mô hàng hóa xuất khẩu tăng cao. Đồng thời, chúng ta cũng phát triển được một số mặt hàng mới như dụng cụ, phụ tùng, đồ chơi. Hay với rau quả, chúng ta thấy sự nổi bật của mặt hàng sầu riêng. Với dư địa dự báo còn tăng cao, đây được coi là điểm sáng và vẫn sẽ là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới”, bà Nguyễn Cẩm Trang nêu rõ.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương bổ sung, kết quả trên là nhờ hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua đã linh hoạt, đổi mới, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số. Từ đầu năm 2024 đến nay, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tăng cường xúc tiến thương mại khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả khả quan nêu trên, các tham tán thương mại ở nước ngoài cùng đại diện doanh nghiệp cũng chia sẻ những thách thức và lo lắng, khi tại nhiều thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU... gia tăng mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Do đó, thời gian tới, để gia tăng hiệu quả xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm củng cố thể chế về phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Tiếp tục nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ hiệu quả các ngành xuất khẩu của Việt Nam ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.

 
Tác giả: Lan Phương