Để có gà tốt mang đi thi, con gà thờ phải trải qua những công đoạn nuôi và vỗ béo rất cầu kỳ, công phu. Trước hết là trong mỗi giáp sẽ chọn ra một người có điều kiện tốt nhất để nuôi một số ít giống gà tốt nhất để có thể lựa chọn trước khi tham gia dự thi. Gà được nuôi từ đầu năm. Người nuôi gà phải có ông bà, con cháu đề huề, đặc biệt là không can án, không có tang.
Người được giáp chọn nuôi gà phải sưu tầm được giống gà cực tốt. Ngày xưa, người làng Gượm ở Hà Tây thường chọn gà mía (giống gà làng Mía trong xã Đường Lâm, Sơn Tây). Gà mía có hai chân màu vàng nghệ, tướng mã đẹp, mào to và dựng đứng. Khi làm thịt gà xong đem cân phải đạt từ 5kg trở lên mới tốt.
Vì thế, con gà trong quá trình nuôi cần phải chăm sóc rất đặc biệt và công phu. Gà dự thi gà thờ ngày Tết được nuôi bằng gạo xay trộn ngô (bắp). Có người cầu kỳ còn trộn cơm với bột ngô rồi nặn thành viên cho gà ăn để vỗ béo. Gà trống đến kỳ phát dục thì phải cho thợ giỏi thiến thành “gà trống thiến”.
Công đoạn mổ thịt gà để luộc cần phải có cách mổ riêng. Vết mổ phải sao cho tròn trịa và nhỏ. Đặc biệt không để da của gà bị rách bất kỳ chổ nào trừ chỗ bị mổ phía dưới. Khi luộc gà, phải đặt con gà vào nồi nước từ đầu, để gà nằm ngửa, đầu lên. Đến khi nước lăn tăn sôi thì vớt con gà ra rồi dùng tay nắn cho hai cánh gà xòe đều ở hai bên, đầu gà phải ngước thẳng tới trước.
Nắn sửa các tư thế của hai cánh, đôi chân và đầu gà thật chuẩn, chỉnh như ý muốn, sau đó lại tiếp tục cho con gà thờ vào nồi, đặt gà nằm úp bụng xuống dưới, rồi đổ nước lạnh vào đun tiếp. Đến khi nước lăn tăn sôi lần thứ 2 thì vớt gà ra kiểm tra thêm lần nữa, sau đó lại cho vào nồi luộc lần thứ 3 đến khi gà chín đều, da vàng rộm, hai đùi gà không bị sụt.
Con gà luộc trước khi chính thức trở thành con gà thờ sẽ được đặt vào chiếc mâm bằng đồng thau sáng loáng. Gà thờ luôn nằm trong tư thế đầu ngước thẳng, mỏ ngậm bông hồng, hai cánh xòe ra trong tư thế như đang bay lên, toàn thân con gà thờ có màu vàng bóng bẩy. Người đội mâm gà thơ vào đình ứng thí buộc phải là trai chưa vợ, trang phục chỉnh tề (áo the, quần trắng, chít khăn đỏ, thắt lưng đỏ).
Khi các giáp cùng một lúc rước lễ về đình từ các ngõ xóm trong làng, không khí tưng bừng, nhộn nhịp hẳn lên. Người đội mâm lễ dẫn đầu, theo sau là các bô lão cao tuổi áo dài, khăn đóng. Tiếp theo là trai tráng, quần áo mới rồi mới đến các bà, các chị theo sau. Đoàn rước lễ có phường bát âm, vừa đi vừa cử nhạc. Tại sân đình hội thi người ta bày sẵn 4 hương án. Làng sẽ cử ra 4 cụ cao tuổi nhất đứng ra nhận lễ. Các đoàn dự lễ đứng dạt ra hai bên. Lễ tế thần bắt đầu.
Lễ cử hành xong, lễ vật được ban giám khảo chấm công khai. Con gà được đặt lên cân kiểm tra trọng lượng. Giáp nào giật giải, gà thi sẽ được rước về cả giáp cùng ăn mừng, động viên nhau chăn nuôi cho tốt. Ngày nay, làng Gượm thuộc địa phận Hà Nội, vẫn còn giữ tục lệ thi gà thờ hằng năm...
Theo quan niệm, thi gà thờ là một phong tục tốt, nó khuyến khích người dân chăn nuôi có kỷ thuật, đề cao những ý nghĩa tích cực. Riêng giống gà mía quý giá cần được các kỹ sư nông nghiệp nước ta nghiên cứu thêm để phát triển thành một sản phẩm tốt hơn vì đó là một giống gà quý cần được nhân rộng và phát triển nhằm mục đích nâng cao đời sống cho bà con nông dân và nông thôn nước ta...