• :
  • :

TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất quy hoạch lại hệ thống đường sắt sau sáp nhập

(22/05/2025)

Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh đề xuất quy hoạch lại mạng lưới đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu kết nối liên vùng.

Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh diễn ra sáng 22/5, ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc quy hoạch lại và mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thành phố sẽ sáp nhập 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ông Nguyễn Văn Được, sau sáp nhập, nhu cầu và dư địa về phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của TP. Hồ Chí Minh tăng lên so với trước đây. Việc bổ sung và kéo dài các tuyến đường sắt đô thị kết nối về các hướng Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng cao và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lê Vĩnh

Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lê Vĩnh

Ngoài đáp ứng nhu cầu thực tế, quy hoạch mới còn giúp TP. Hồ Chí Minh thuận lợi hơn trong việc kêu gọi đầu tư, đặc biệt là theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng). Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, mô hình TOD không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng đất mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị bền vững.

Về mặt tổ chức, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Ban Quản lý đường sắt đô thị thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ vai trò phù hợp. Tuy nhiên, về lâu dài, thành phố cần nghiên cứu nâng cấp mô hình quản lý này. Cụ thể, ông đề xuất xây dựng mô hình công ty vận hành hệ thống metro - mô hình đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm tăng tính chủ động, chuyên nghiệp và hiệu quả trong công tác quản lý vận hành.

“Để đảm bảo cho công tác quản lý về lâu dài sau này thì rất cần thiết tiến tới xây dựng mô hình Công ty về quản lý đường sắt đô thị”, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định không thể trông chờ hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. “Không có quốc gia nào trên thế giới sử dụng toàn bộ ngân sách để phát triển metro” - ông nói và cho rằng, thành phố cần đồng thời kêu gọi đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, kết hợp với các nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cần tính toán kỹ lưỡng để tránh những bất lợi từng gặp khi triển khai các dự án có vốn ODA trước đây.