• :
  • :

Phòng vệ thương mại: Ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu

(09/08/2024)

Việc gia tăng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh.

Khởi xướng điều tra gần 30 vụ việc phòng vệ thương mại

Đầu tháng 8/2024, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương liên tiếp thông báo điều tra rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm nhập khẩu, như: Điều tra rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm bột ngọt xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme xuất xứ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc…

Trước đó, cuối tháng 7/2024, Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc; quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc…

Phòng vệ thương mại: Ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu
Phòng vệ thương mại đã góp phần bảo vệ lợi ích cho ngành sản xuất trong nước. Ảnh: TTXVN

Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục tiếp tục thực hiện các công tác liên quan đến việc điều tra, rà soát 7 vụ việc phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng trong năm 2023 và thẩm định, báo cáo Bộ trưởng ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với 1 vụ việc mới.

Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại cũng đã tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát của các ngành sản xuất trong nước. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra gần 30 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, hàng hóa là đối tượng điều tra áp dụng của các biện pháp thuộc các nhóm hàng sắt thép, phân bón, chất dẻo, hàng dệt, thực phẩm. Đây hầu hết là những mặt hàng có vai trò quan trọng, là xương sống trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Ngoài ra, các vụ việc điều tra được thực hiện một cách khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế.

Thiết lập lại môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng

Tại hội thảo “Chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế” mới đây, ông Tô Thái Ninh - Trưởng phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - cho rằng, một trong những tác dụng lớn của biện pháp phòng vệ thương mại là giúp chúng ta tạo lập lại môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng; ngăn chặn hành vi bán phá giá và hành vi bán hàng vào Việt Nam được nước xuất khẩu trợ cấp.

Với việc tăng thuế nhập khẩu, theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đồng thời, tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm bị khởi xướng điều tra cũng đã giảm đi đáng kể.

Không chỉ vậy, theo Cục Phòng vệ thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang áp dụng góp phần bảo vệ công ăn việc làm của khoảng 120 nghìn người lao động trong các lĩnh vực, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp phòng vệ thương mại ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước.

Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) đánh giá, trong việc vận dụng công cụ phòng vệ thương mại để tiến hành điều tra đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam, qua số liệu Phái đoàn có được thông qua hoạt động phối hợp với Cục phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương, Việt Nam đã tiến hành điều tra gần 30 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến sản phẩm thép. Thông qua đó, các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam đã sử dụng hiệu quả công cụ được pháp luật cho phép này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu.

Nhấn mạnh những kết quả tích cực từ việc gia tăng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cũng chỉ rõ, các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và đảm bảo giữ vững sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh.

Từ những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Minh Phong, thời gian tới, Việt Nam cần chú ý chủ động và hài hoà hơn giữa đối phó với các biện pháp phòng vệ thuơng mại quốc tế, với sử dụng hợp lý, hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ là thành viên, để vừa gia tăng xuất khẩu, vừa bảo vệ các ngành sản xuất và việc làm trong nước, đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần phải đáp ứng một số điều kiện được quy định trong các hiệp định liên quan.

Về phía Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết, trong các tháng cuối năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và đúng tiến độ các hoạt động theo kế hoạch công tác đã xây dựng, bao gồm việc hoàn thành điều tra 2 vụ việc chống bán phá giá và 4 vụ việc rà soát, tiếp tục triển khai công tác điều tra đối với 2 vụ việc chống bán phá giá và 3 vụ việc rà soát cuối kỳ, thẩm định và báo cáo lãnh đạo Bộ kết quả thẩm định các hồ sơ đề nghị điều tra, rà soát của ngành sản xuất trong nước.