Mô hình trồng các giống sen triển vọng ở Huế mang lại thu nhập cao cho người dân (Ảnh CTV) |
Tại nhiều làng quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, cây sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn gắn liền với đời sống và nét đẹp văn hóa của vùng đất, con người. Ngoài vẻ đẹp của hoa sen, các bộ phận của cây sen từ hoa, lá, ngó, gương, hạt đều được sử dụng làm món ăn, các vị thuốc có giá trị trong y học cổ truyền.
Tìm chỗ đứng cho sen Huế
Với Huế, sen là cây trồng truyền thống, thậm chí, đã thành một thương hiệu gắn với sen Tịnh Tâm nổi tiếng cách đây hàng trăm năm, từ thời nhà Nguyễn. Đa số các giống sen Huế ngoài vẻ đẹp quyến rũ, hạt sen có phần xốp hơn sen Bắc, sen Nam và hạt sen có hương vị và không chát, chất lượng đặc biệt thơm ngon. Đặc biệt, ở khu vực kinh thành Huế, sen còn được xếp vào hàng “vô địch” về hương vị so với sen các xứ khác.
Nói đến sen Huế, nhiều người biết đến sen hồ Tịnh Tâm - hồ sen cung cấp cho cung đình Huế xưa, từ hoa sen để dâng cúng, hạt sen để nấu chè và tim sen để pha trà. Sen ở đây được trồng từ tháng 2 đến tháng 7 Âm lịch là thu hoạch, bông sen ở đây thơm nhất Huế, hạt sen tròn đều, nấu lên thơm phức.
Sen trắng hồ Tịnh Tâm (TP Huế) - hồ sen cung cấp cho cung đình Huế xưa (Ảnh Đ.Minh) |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, nếu như trước đây, các giống sen quý được gieo trồng tại hồ Tịnh Tâm và một số hồ bao quanh kinh thành Huế thì hiện nay một số giống sen có giá trị kinh tế đã được người dân ở các huyện, thị xã như: Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy đưa vào trồng và cho năng suất cao.
Gia đình ông Trần Quốc Bảo (thôn Cư Chánh, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) là một trong những hộ dân tiên phong chuyển đổi trồng sen từ hơn 10 năm trước, với diện tích gần 3ha sen lấy hạt.
Theo ông Bảo, ở Huế hiện có nhiều giống sen như: Sen hồng Phú Mộng, sen hồng Vinh Thanh, sen trắng cổ Huế… giống sen được người dân địa phương trồng chủ yếu là giống sen trắng Tịnh Tâm và sen hồng cao sản.
Do địa bàn tỉnh chưa có đơn vị sản xuất, cung ứng giống sen nên phần lớn người trồng sen sử dụng giống sen lưu gốc hoặc tự nhân giống bằng hạt.
Nhờ chọn được giống sen tốt, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc nên sen nhiều năm nay đạt chất lượng cao. Với giá hạt sen hiện cao hơn mọi năm từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, ước tính vụ năm nay gia đình ông Bảo sẽ có thu nhập hơn 60 triệu đồng.
Cây sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn gắn liền với đời sống và nét đẹp văn hóa của vùng đất, con người xứ Huế (Ảnh NVCC) |
Theo bà con nông dân, sen trắng cổ Huế được xem là biểu tượng của vùng đất kinh đô, tuy cho năng suất thấp hơn so với sen hồng cao sản, nhưng bù lại nó có sắc, hương và hàm lượng dinh dưỡng cao. Sen trắng cổ Huế có mùi thơm đặc trưng, nông dân có thể bán để trang trí và ướp trà.
Đối với sen hồng cao sản (có nguồn gốc từ các tỉnh Tây Nam Bộ) là giống sen được bà con nông dân ở Thừa Thiên - Huế ưa chuộng, chiếm diện tích lên đến 90% toàn tỉnh. Loại sen này phù hợp với thổ nhưỡng của Huế, do đó cho năng suất rất cao. Những năm gần đây nhiều diện tích đất trồng lúa, rau màu không hiệu quả đã được bà con cải tạo để chuyển đổi sang trồng sen.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng sen ở huyện Phong Điền, từ năm 1996, ông Hoàng Đô (trú thôn Sơn Tùng, xã Phong Hiền) đã bắt đầu việc trồng sen, ngoài diện tích 1ha ở địa phương, ông Đô còn thuê hồ ở xã Quảng Thái để trồng sen phát triển kinh tế gia đình.
Ông Đô cho biết, cây sen rất dễ trồng nhưng cây sen lại rất phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nước bởi đây là loại cây khá nhạy cảm với điều kiện khí hậu. Trung bình 1 sào gia đình ông thu hoạch khoảng 1,5 tạ hạt sen tươi, với giá hạt sen tươi chưa bóc vỏ dao động ở mức từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoảng chi phí gia đình ông có thể thu nhập về trên 100 triệu đồng.
Cây sen đang được Thừa Thiên - Huế quan tâm xây dựng thành sản phẩm chủ lực của tỉnh (Ảnh Đ.Minh) |
Ngoài mô hình trồng sen của ông Hoàng Đô đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Hồ Văn Thăng (trú thôn Phò Ninh, xã Phong An) cũng cho thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng mỗi năm từ việc trồng sen kết hợp nuôi cá. Với 4,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả đã được gia đình ông chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi cá từ năm 2006 cho đến nay.
Bên cạnh đó, gia đình thuê thêm mặt nước bàu của thôn Phò Ninh để nuôi cá loại cá như mè, gáy, trôi... Từ đó cho đến nay qua quá trình thực hiện việc trồng sen kết hợp nuôi cá đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa, đến nay đời sống kinh tế của gia đình ngày một khấm khá.
Làm giàu từ trồng sen
Để tạo điều kiện cho người trồng có cơ hội lựa chọn giống sen đáp ứng được yêu cầu của thị trường và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai mô hình trồng các giống sen có triển vọng với diện tích 5ha.
Trong hai năm trở lại đây, sen được người dân ở các phường: Hương Chữ, Hương An, Hương Xuân… thị xã Hương Trà đưa vào trồng ngày càng nhiều ở những chân ruộng thấp trũng, vùng đầm, sình lầy hay trên đất lúa trũng bị nhiễm phèn chỉ sản xuất được một vụ. Trồng sen hồng lấy hạt ở phường Hương Chữ là mô hình điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thị xã Hương Trà.
Anh Phan Bá Ly (xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) đánh giá cao việc chuyển đổi trồng lúa kém năng suất sang trồng sen (Ảnh Đ.Minh) |
Ban đầu, mô hình này thu hút 8 hộ dân tham gia trồng 4ha sen hồng trên đất lúa sản xuất một vụ. Sau hơn 3 tháng, mô hình cho thu hoạch gần 2 tấn hạt/ha bán được 70 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi hơn một nửa, tính ra lãi cao gấp ba lần so với trồng lúa.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 600ha diện tích trồng sen, năng suất hạt khoảng 1,5 - 4 tấn/ha, tính theo giá bình quân hạt sen tươi chưa bóc vỏ trên 50.000 đồng/kg; sen bóc vỏ gần 200.000 đồng/kg; sen đã bóc vỏ, phơi khô từ 400.000 đồng/kg trở lên; hoa sen 15.000 - 20.000/bó gồm 10 cành; ngó sen 7.000 đồng/kg.
Bên cạnh các giống sen cao sản để lấy hạt, hiện nay nhu cầu của thị trường cần nhiều sản phẩm được chế biến từ cây sen trong đó có củ sen (Ảnh Đ.Minh) |
Trung bình mỗi sào trồng sen mang lại cho các hộ nông dân từ 150 đến 200kg củ (Ảnh Đ.Minh) |
Theo kế hoạch phát triển trồng sen đến năm 2025 của UBND tỉnh, Huế sẽ mở rộng diện tích trồng mới cây sen đạt 745ha. Trong đó, sen cao sản lấy hạt khoảng 85 - 90% diện tích, sen địa phương từ 10 - 15% diện tích; năng suất bình quân 1,8 - 2 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.200 - 1.400 tấn hạt/năm.
Ở huyện Phong Điền đã hình thành được một số vùng chuyên canh trồng sen kết hợp nuôi cá như ở các xã Phong An, Phong Thu và thị trấn Phong Điền với khoảng gần 70ha. Mỗi năm, 1ha sen cho thu nhập khoảng 60 - 80 triệu đồng, chưa kể khoản thu nhập từ bán giống, ngó, hoa, lá sen và cá.
Chủ tịch UBND xã Phong An Trần Công Phước cho biết, địa phương khuyến khích người dân khai phá ao, đầm hoang hóa hoặc ruộng lúa chỉ sản xuất được một vụ chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi cá.
Với lợi nhuận gấp 5 - 7 lần trồng lúa, đến năm 2025 tại nhiều vùng đất nông nghiệp trồng lúa kém hiệu quả, mặt nước hoang, đất lúa một vụ, ao, hồ, sông, hói… sẽ được chuyển mạnh sang trồng sen, quy hoạch thành vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ, tạo nên các vựa sen trọng điểm ở Phong Điền, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền.
Sen Huế đã trở thành đặc sản của tỉnh với nhiều mặt hàng như: Trà hoa sen ướp, trà tâm sen, trà lá sen, chè hạt sen, “hạt sen Tịnh Tâm”… Những sản phẩm từ sen góp phần làm đa dạng ẩm thực Huế, làm phong phú thêm tiềm năng kinh tế của tỉnh.
Ẩm thực sen là đặc sản thu hút khách du lịch ở cố đô Huế, nhiều nông dân đánh giá sự khác biệt của sen Huế là bở, thơm, khi ăn sống giòn, ngọt; ăn chín béo, bở (Ảnh PV) |
Bên cạnh các giống sen cao sản để lấy hạt, hiện nay nhu cầu của thị trường cần có nhiều sản phẩm được chế biến từ cây sen phục vụ cho ẩm thực và du lịch như nón lá sen, trà hoa sen, củ sen…
Trung bình mỗi sào trồng sen mang lại cho các hộ nông dân từ 150 - 200kg củ. Tùy kích cỡ mà củ sen sẽ được các thương lái về tận nhà thu mua với giá từ 10 - 30 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập khấm khá cho người dân.
Đặc điểm của sen là dễ trồng, chỉ cần xuống giống lứa đầu thì có thể ăn cả chục lứa sau đó. Cái hay là cây mẹ tàn rụi thì chỉ cần sục bùn, làm cỏ, đưa nước vào là cây con tiếp tục sinh sôi, nảy nở và ruộng sen lại xanh như ban đầu, lứa này kế tiếp lứa kia. Theo kinh nghiệm của bà con, đất càng bùn lầy, màu mỡ, sen càng phát triển tốt, củ to, tròn, đẹp.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây sen, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2025, cả tỉnh sẽ có khoảng 745ha sen, trong đó sen cao sản lấy hạt chiếm khoảng 85 - 90% diện tích và sen địa phương (sen Huế) chiếm từ 10 - 15% diện tích với sản lượng ước đạt từ 1.200 - 1.400 tấn hạt mỗi năm.
Với những lợi thế sẵn có, người trồng sen tại Thừa Thiên - Huế đang đặt nhiều hy vọng việc phát triển diện tích trồng sen trên địa bàn dựa trên những giải pháp cụ thể, mang lại nguồn lợi kinh tế cao và bền vững trong thời gian tới.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang hỗ trợ 2 doanh nghiệp nâng cao khả năng thương mại hóa sen Huế. Trong thời gian tới, sẽ hỗ trợ thêm cho các cơ sở sản xuất sen về giống, nâng cao chất lượng theo hướng sản xuất hữu cơ, xây dựng mẫu mã, nhãn mác cho các những sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao, hướng tới các thị trường xuất khẩu; đặc biệt, xây dựng sen Huế không chỉ là sản phẩm nông nghiệp mà còn là sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc của Huế. |