Theo đó, Sở Y tế lưu ý UBND các xã, phường chỉ đạo phòng Văn hoá - Xã hội, các đơn vị liên quan phối hợp với trạm y tế thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng, đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm chủng trên địa bàn.
Các đơn vị thực hiện rà soát, đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác bảo quản vắc xin, tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên.
![]() |
Người dân đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng sởi tại Trạm y tế phường Yên Nghĩa |
Các đơn vị duy trì tổ chức các buổi tiêm chủng thường xuyên hàng tháng tại các điểm tiêm chủng là trạm y tế, điểm trạm (trạm y tế xã, phường, thị trấn trước đây). Việc tiêm chủng cho người dân không phân biệt địa giới hành chính, đảm bảo trẻ em, phụ nữ có thai được tiêm chủng ở bất kỳ điểm tiêm chủng thường xuyên nào thuận tiện nhất.
Các trạm y tế xã, phường triển khai tiêm chủng thường xuyên đảm bảo an toàn theo các hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế, tổ chức theo quy trình một chiều, thực hiện giám sát, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng đúng quy định.
Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn để thực hiện xử trí, cấp cứu tai biến sau tiêm chủng (nếu có).
Đối với CDC Hà Nội, Sở Y tế đề nghị đơn vị tổng hợp nhu cầu vắc xin tiêm chủng mở rộng toàn thành phố; thực hiện tiếp nhận vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ Trung ương và cấp phát cho các trạm y tế xã, phường theo nhu cầu đề xuất.
Đồng thời, CDC Hà Nội hướng dẫn chuyên môn cho các trạm y tế trong công tác tiêm chủng, đặc biệt là thống kê báo cáo, cập nhật thông tin tiêm chủng lên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia nhằm bảo đảm dữ liệu tiêm chủng được cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Đơn vị này triển khai giám sát, hỗ trợ các trạm y tế xã, phường trong công tác bảo quản vắc xin, tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên và giám sát phản ứng sau tiêm chủng; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, tham mưu Sở Y tế trong công tác quản lý hoạt động tiêm chủng trên địa bàn.