• :
  • :

“Điều trị”, quản lý bệnh hại trên sắn

(15/11/2022)

Một đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) từ ngân sách tỉnh giao nhóm chuyên gia Trường ĐH Nông Lâm Huế nhằm quản lý bệnh hại tổng hợp, hạn chế gây hại của khảm lá sắn. Từ cánh đồng sắn thí nghiệm, câu chuyện tìm cách đảm bảo chất lượng, giữ vị thế cho cây lương thực quan trọng thứ ba của Việt Nam (sau lúa, bắp) dần mở ra…

HN5, giống sắn có nhiều triển vọng trong việc kháng bệnh, cho năng suất cao

Hồi hộp trên cánh đồng mẫu

Một sáng mùa đông ở vùng Trạng HTX Tây Xuân, phường Hương Xuân, TX. Hương Trà, tiếng xe vận tải, xe máy, tiếng nói cười của tốp thợ nhổ sắn thuê khiến không gian thêm rộn ràng. Nhiều ánh mắt đổ dồn về ruộng của anh Phan Trọng Thiện. Hôm nay là thời điểm nhổ sắn, đánh giá năng suất, chất lượng củ các ruộng thí nghiệm “Nghiên cứu xây dựng và chuyển giao quy trình bệnh khảm lá sắn tổng hợp cho Thừa Thiên Huế” do Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế thực hiện.

PGS. TS. Nguyễn Vĩnh Trường, Khoa Nông học, Trường ĐH Nông Lâm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu tỉ mẩn ghi chép, cân sắn, đếm số củ. Nhóm cộng sự khác đo chiều dài, chu vi củ, so sánh hình thức, kích thước củ các giống sắn khảo nghiệm… Có lúc, mọi người cùng reo lên vì gặp sắn đẹp, không bệnh, củ dài, to… thỏa lòng mong đợi suốt 10 tháng qua.

Sát bên cánh đồng mẫu thí nghiệm, ông Lê Văn Hùng cũng thu hoạch sắn. Gần 40 năm trồng sắn, ông bảo bệnh ni kỳ quái lắm, lá cong queo, sinh trưởng kém, năng suất, lượng tinh bột trong củ giảm hẳn. Vụ ni dịch khảm lá ồ ạt, 80% ruộng ông bị bệnh. Năm 2021, thu hoạch 5 tấn thì năm nay còn 3,5 tấn. “Nếu có cách gì chống lại bệnh, bà con mới yên tâm trồng sắn. Trông sang ruộng anh Thiện, nhiều hàng sắn tươi tốt mát con mắt. Tui vừa tò mò, vừa mong có kết quả tốt để dân bề tui hưởng lợi áp dụng. Chơ thiệt ngán cái bệnh ni lắm”, ông Hùng nói.

Buổi thu hoạch đánh giá năng suất các ruộng sắn thí nghiệm thi thoảng có sự xuất hiện của người lạ, trong số đó có cả thương lái. Một người buôn sắn quan sát khá kỹ các giống sắn sau thu hoạch bộc bạch: “Tui thấy KM 94 trồng hạp với đất ni. Tui chờ coi các thầy chọn giống chi, giải pháp chi, năng suất bao nhiêu để so sánh vì tui cũng tự mình trồng thử một vài loại khác”!

Ơn sắn, lắng lo bệnh

Anh Phan Trọng Thiện, 45 tuổi, nông dân ở phường Hương Xuân gắn bó với cây sắn từ nhỏ. “Ba mạ nuôi anh chị em tui lớn nhờ sắn; có chút chữ nghĩa hơn người cũng từ cây nớ cả đó”, anh chậm rãi kể về sự hàm ơn với cây sắn… “Khi bệnh xuất hiện, không biết nguyên nhân chi, hoang mang lắm! Có người ví von bệnh ni là “COVID-19 trên sắn”. Từ nhỏ tới chừ tui mới thấy bệnh lạ lùng ri. Được thầy Trường chọn 1 mẫu ruộng trồng thí nghiệm, tui gật đầu cái rụp”, anh Thiện nhớ lại.

Các thành viên nhóm nghiên cứu đo chu vi và kích thước củ sắn phục vụ công tác nghiên cứu

Theo PSG.TS. Trường, chọn hộ trồng sắn thí nghiệm phải có kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu áp dụng khoa học kỹ thuật, tiếp thu nhanh. Bệnh virus trên thực vật chỉ có thể hạn chế và làm giảm mức độ gây hại, không thể điều trị theo cách hiểu của người dân. Quản lý bệnh hại tổng hợp cần huấn luyện nông dân về các nguyên tác phòng trừ bệnh theo mô hình lớp học trên đồng ruộng (FFS= Farmer Field Schools). “Sau này, anh Thiện chính là người huấn luyện FFS, sẻ chia kinh nghiệm và nhân rộng các kỹ thuật đã được nghiên cứu trên đồng ruộng của anh cho bà con khác”, PGS.TS. Trường giải thích.

Sắn bị bệnh không chỉ ám ảnh nông dân mà còn là nỗi âu lo của cơ quan chức năng. HTX Nông nghiệp Tây Xuân, Hương Xuân, T.X Hương Trà -  HTX quản lý hơn 130ha. Dịch bệnh hoành hành 3 năm qua, HTX vẫn chưa có giải pháp phòng, chống bệnh hại, tìm giống kháng bệnh, giống sạch bệnh.

“Bệnh xuất hiện trên cây sắn từ năm 2019, sau đó lan rộng toàn địa phương. Năm nay, năng suất sắn còn 20 tấn/ha, mọi năm được 22-25 tấn. Ở đây không có giải pháp chi khác ngoài nhổ, đốt bỏ. Không chỉ bà con mà chúng tôi cũng đứng ngồi không yên”, ông Trần Tấn Lợi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tây Xuân như trút nỗi lòng bấy lâu. Ông Lợi khẳng định: “Nếu có giống sạch bệnh, phương pháp chống bệnh, làm mô hình mẫu nhân rộng, bà con sẽ áp dụng liền”!

Tìm giống tốt, chặn đường lây nhiễm…

Hiện chưa có nhiều công trình nghiên cứu về bệnh hại này trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đề tài “Nghiên cứu xây dựng và chuyển giao quy trình bệnh khảm lá sắn tổng hợp cho Thừa Thiên Huế” thực hiện năm 2022-2023. Trong đó, yêu cầu đề tài là phải xây dựng mô hình quản lý bệnh khảm lá sắn tổng hợp diện tích 1ha, bao gồm sử dụng giống sạch/chống bệnh, trồng cây khỏe, quản lý bọ phấn trắng, quản lý đồng ruộng. Thực hiện quy trình để chẩn đoán bệnh khảm lá sắn ở Thừa Thiên Huế bằng kỹ thuật sinh học phân tử cho sắn làm giống để nhằm mục đích kiểm soát nguồn giống sạch bệnh…

Qua nghiên cứu thực hiện trong nhà lưới cũng như trên đồng ruộng năm 2022, nhóm thực hiện đề tài triển khai 5 nội dung cơ bản. Trong đó có khảo nghiệm các loại thuốc hạn chế sự tổng hợp Lankan Cassava Mosaic virus trong cây sắn, kích thích sinh trưởng cây trồng; Nghiên cứu giải pháp giống sắn kháng/chống bệnh và sạch bệnh cung cấp cho các vùng trồng sắn tại Thừa Thiên Huế… Có 6 loại kích kháng được sử dụng giúp cây sắn vượt lên, cuối cùng đã chọn ra 2 loại phù hợp. Hiện nay, bệnh khảm lá sắn đã nhiễm trên toàn quốc nên nhóm nghiên cứu đề xuất cần cân nhắc kỹ khi sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử, không nên sử dụng cho diện tích trồng sắn đại trà vì sẽ rất tốn kém và ít hiệu quả.

Bệnh khảm lá sắn do Sri Lankan Cassava Mosiac virus (SLCMV) gây ra làm giảm năng suất từ 20 - 95%. Bệnh xuất hiện ở Việt Nam năm 2017, gây hại tại vùng trồng 19 tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2021, bệnh khảm lá sắn gây hại khoảng hơn 1.000ha sắn toàn tỉnh, tập trung nhiều tại Phong Điền, Hương Trà.

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Khoa Nông học, Trường ĐH Nông Lâm Huế, thành viên nhóm sau 1 năm thực hiện hàng loạt các thí nghiệm trong hợp phần nghiên cứu đã cho ra những kết quả tích cực. T.S Thủy chia sẻ: “Môi giới truyền bệnh khảm sắn là do bọ phấn trắng. Phòng trừ bọ phấn trắng hiệu quả chính là biện pháp nhằm hạn chế bệnh khảm sắn trên đồng ruộng. Trong nghiên cứu thử nghiệm cho thấy, thuốc hóa học Hapmisu 20EC (Imidacloprid 2% + Pyridaben 18%) có hiệu lực cao ở 5 và 7 ngày sau phun”.

PGS. TS Nguyễn Vĩnh Trường nhấn mạnh, quản lý bệnh hại nói chung và bệnh virus nói riêng cần sử dụng biện pháp tổng hợp (IDM = Integrated Disease Management) bao gồm: Vệ sinh đồng ruộng, kiểm dịch thực vật, sử dụng giống sạch bệnh, giống chống/kháng bệnh, tiêu diệt côn trùng môi giới, xen canh và luân canh, sử dụng chất kích kháng, trừ cỏ dại, chăm sóc cây trồng khỏe.

Tìm ra giống kháng bệnh, năng suất và hàm lượng tinh bột cao, đóng vai trò mấu chốt trong việc chống lại bệnh khảm lá. PGS. TS. Nguyễn Vĩnh Trường “điểm danh” HN5, một giống kháng bệnh (Viện Di truyền tạo ra) được mang về trồng trên ruộng anh Phan Trọng Thiện. Qua thực nghiệm, giống này kháng bệnh tốt, song có thể nhiễm bệnh vi khuẩn, bệnh đốm lá. Bù lại nó cho năng suất cũng như hàm lượng tinh bột cao. Khả năng đây là giống triển vọng có thể đưa vào cơ cấu trong vùng nhiễm bệnh nặng nhằm chống lại bệnh khảm sắn trong những năm tới.

Thành quả của những tháng ngày theo dõi, chăm sóc, điều trị cho sắn đang kết trái ngọt. Bên đống tài liệu bộn bề, sau khi trả lời vô số câu hỏi của tôi, PGS. Trường “chốt hạ” đầy ẩn ý: “Khi báo cáo đề tài trước hội đồng, sẽ có nhiều bất ngờ. Chúng tôi đang chờ đến ngày trình bày kết quả nghiên cứu. Trước mắt là đúc kết mô hình xây dựng 10 chuyên đề triển khai cho 30 học viên nòng cốt trong lớp FFS trong năm 2023. Sau đó, mô hình này sẽ được nhân rộng trên toàn tỉnh để đẩy lùi bệnh khảm lá”.

Việt Nam đứng sau Thái Lan xuất khẩu sản phẩm từ sắn khoảng 3 triệu tấn/năm, kim ngạch ước 1,2 – 1,4 tỷ USD, sau gạo và cà phê. Không chỉ gia đình anh Phan Trọng Thiện hàm ơn cây sắn, hàng nghìn, hàng vạn hộ nông dân Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng mang nặng ân tình với loại cây nông nghiệp này. Quản lý và điều trị thành công căn bệnh trầm kha trên sắn góp phần trả lại vị thế vốn có của nó trong bản đồ lương thực, thực phẩm. Mong rằng chẳng lâu nữa, người trồng sắn sẽ gác lại những âu lo, hăm hở ra đồng nghe lòng ngân nga: Những buổi mai hường, nắng mới tinh/Bên đường sương mát, lá rung rinh/Ta đi trong gió thơm khoai sắn/Lòng nhẹ, vui vui, bát ngát tình. (Tố Hữu)

Bài, ảnh: Tuệ Ninh