• :
  • :

Tiếp tục đưa bác sĩ về chăm sóc sức khỏe người dân huyện nghèo

(21/03/2024)

Việc tổ chức đào tạo trình độ bác sĩ chuyên khoa I đang góp phần quan trọng và có ý nghĩa bù đắp nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với tuyến y tế cơ sở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa...

Giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc y tế

Bộ Y tế vừa tổ chức Lễ trao bằng và bàn giao 48 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khoá đầu tiên do Quỹ Thiện Tâm tài trợ trong tổng số 345 bác sĩ đã được đào tạo Chuyên khoa cấp I tại 5 trường đại học: Y Hà Nội, Y - Dược Huế, Y Dược, Đại học Thái Nguyên và Y - Dược Cần Thơ.

Lễ ký kết hợp tác đào tạo giữa lãnh đạo Dự án 585 (Bộ Y tế), Trường Đại học Y Hà Nội, Quỹ Thiện Tâm và đại diện một số Sở Y tế các địa phương,

Lễ ký kết hợp tác đào tạo giữa lãnh đạo Dự án 585 (Bộ Y tế), trường Đại học Y Hà Nội, Quỹ Thiện Tâm và đại diện một số Sở Y tế các địa phương

PGS.TS Lê Minh Giang, Trưởng phòng Quản lý đào tạo sau đại học, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, 48 bác sĩ trẻ chuyên khoa cấp I được trao bằng có 38 bác sĩ là người dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mông thuộc 10 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Nội, Ngoại, Nhi, Xét nghiệm, Sản, Truyền nhiễm và Y học.

"Các bác sĩ được cấp bằng chuyên khoa I sẽ tình nguyện về công tác tại 32 huyện nghèo thuộc 8 tỉnh Nghệ An, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu và Thanh Hóa. Như vậy, với 16 khóa bác sĩ trẻ đã tốt nghiệp (15 khoá đã bàn giao ở giai đoạn 1) dự án đã bàn giao 402 bác sĩ cho 94 huyện khó khăn, biên giới thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên", PGS.TS Lê Minh Giang cho biết.

Là một trong những bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành sản phụ khoa được nhận bằng, BSCK I Sùng Seo Tỏa - hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, chia sẻ, nhờ được bổ sung thêm nguồn nhân lực chuyên môn cao, hiện Khoa Phụ sản tại bệnh viện đã có 3 bác sĩ chuyên khoa I còn lại đều là nữ hộ sinh có trình độ cao đẳng trở lên.

Thời gian qua, bác sĩ chuyên khoa I Sùng Seo Tỏa và tập thể Khoa Phụ sản đã triển khai được nhiều kỹ thuật đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân như khám sàng lọc, tư vấn trước sinh; quản lý thai kỳ; xử trí cấp cứu và điều trị thành công về sản - phụ khoa.

Kể từ năm 2019 đến hết năm 2023, bác sĩ chuyên khoa I Sùng Seo Tỏa đã trở thành bác sĩ phẫu thuật chính của bệnh viện. Trung bình mỗi năm, bác sĩ phẫu thuật sản - phụ khoa trên dưới 200 ca trong tổng số gần 300 ca của cả khoa mỗi năm. Từ đầu năm 2024 đến nay, bác sĩ chuyên khoa I Sùng Seo Tỏa phẫu thuật 39/68 ca của cả khoa.

TS Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia đánh giá: "Bác sĩ chuyên khoa I Sùng Seo Tỏa đã trở thành hạt nhân của khoa, là phẫu thuật viên chính và trở thành người mang đến cảm hứng cho nhiều y, bác sĩ trẻ người Mông quyết tâm nỗ lực theo học các hệ đào tạo chuyên môn sâu sau đại học để trở về quê hương, đến các huyện nghèo khác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào".

Dự án 585 phát huy hiệu quả tích cực

Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” theo Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/2/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế (gọi tắt là Dự án 585, trong đó mới nhất là Quyết định số 4359/QĐ-BYT ngày 20/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định 585) đã và đang phát huy hiệu quả; góp phần giải bài toán khó về đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực y tế ở tuyến cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Trong thời gian triển khai dự án, với mục tiêu để y tế cơ sở là nền tảng, nhân lực đóng vai trò then chốt, do vậy chất lượng đào tạo là mục tiêu đặt ra cho thầy và trò các khóa đào tạo của dự án 585, các trường đại học Y- Dược trên cả nước và các bệnh viện đào tạo thực hành cho các học viên lớp 585 đã dành sự quan tâm, hỗ trợ, ưu tiên nhiều nhất có thể cho các em học viên, đặc biệt là học viên đồng bào dân tộc.

Các bác sĩ theo dõi sức khỏe cho bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Bộ Y tế

Bác sĩ theo dõi sức khỏe cho bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sa Pa (Ảnh: Bộ Y tế)

Theo TS Phạm Văn Tác, bác sĩ chuyên khoa I Sùng Seo Toả cùng rất nhiều các y, bác sĩ trẻ khác được đào tạo trong hoạt động thuộc dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" giai đoạn 2 - còn gọi là dự án 585.

Dự án 585 đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ Nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

"Triển khai tốt Dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Trong giai đoạn tới, ngoài việc hỗ trợ kinh phí đào tạo cho bác sĩ trẻ, Quỹ Thiện Tâm cũng sẽ xem xét, tài trợ máy móc, trang thiết bị thiết yếu cho các huyện khó khăn căn cứ vào nhu cầu triển khai các kỹ thuật của bệnh viện/trung tâm y tế đồng bộ với chuyên khoa đào tạo của bác sĩ trẻ thuộc dự án 585", TS Tác chia sẻ.

Tác giả: Phương Thu - Ảnh: Bộ Y tế