• :
  • :

Thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp

(25/04/2022)

Làm thế nào để sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp được xã hội đón nhận, hay nói cách khác là thị trường đầu ra thuận lợi, ổn định là băn khoăn và cũng là rào cản, mối lo ngại của những người trong cuộc.

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp phục vụ thiết thực nhu cầu của người dùng

Còn ngại về đầu ra

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hương Hồ (TP. Huế) chia sẻ, một số sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ chưa đạt về các tiêu chí đổi mới sáng tạo, quy mô còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh còn kém. Cụ thể, ở phường Hương Hồ có làng nghề bánh tráng và bánh ướt Lựu Bảo, mặc dù là sản phẩm làng nghề truyền thống, nhưng đầu ra vẫn còn hạn hẹp. Chính quyền địa phương cũng đang xây dựng kế hoạch để thành lập tổ liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, song vẫn đang cần tác động từ ngoại lực mới đưa được sản phẩm của làng nghề Lựu Bảo đi xa và tăng quy mô về số lượng, mẫu mã.

Không riêng ở làng nghề bánh tráng, bánh ướt Lựu Bảo mà đây đang là thực trạng chung ở nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất, DN khi muốn đăng ký khởi nghiệp, cải tiến, đổi mới sản phẩm.

Nhu cầu xã hội thường có sự thay đổi theo từng xu thế, giai đoạn. Nên vẫn có tình trạng có sản phẩm đang thịnh, chẳng hạn những sản phẩm phục vụ sức khỏe như dược liệu (tinh dầu các loại), thực phẩm chức năng, thực phẩm từ thiên nhiên (yến sào, nấm linh chi, sâm, sen) hay các sản phẩm phục vụ nhu cầu làm đẹp, khỏe cho cơ thể (mỹ phẩm từ thiên nhiên, áo dài, nón lá, máy massage mặt, bụng...)

Nắm bắt tâm lý tiêu dùng, DN khởi nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, mạnh dạn chấp nhận rủi ro và tìm cái mới, thiết thân để đổi mới, tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu xã hội.

Một trong những tồn tại mà nhiều bạn trẻ khởi nghiệp vấp phải khi quan niệm sản phẩm chỉ quan trọng chất lượng chứ không quan trọng bao bì. Nhưng thực tế, chất lượng là quan trọng nhất, nhưng không chỉ là chất lượng sản phẩm mà cả chất lượng bao bì, chất lượng dịch vụ và chất lượng maketing. Thiếu “chăm chút” một trong những chất lượng này thì không thể phát triển lớn được và mãi mãi chỉ bán được cho người thân quen, bán trong phạm vi nhỏ hẹp mà không vươn ra được thị trường lớn.

Nếu sản phẩm kém chất lượng thì người dùng chỉ mua một lần rồi “chào tạm biệt”. Chất lượng bao bì (bao gồm cả sự tiện lợi và thẩm mỹ) giúp nhà sản xuất, người bán thuyết phục được những người tiêu dùng không quen biết. Chất lượng về dịch vụ bao gồm hệ thống phân phối, logistic và hậu mãi. Nếu chất lượng dịch vụ kém thì người tiêu dùng cũng sẽ rời bỏ đi, đơn giản là trên thị trường có nhiều đối thủ cạnh tranh sẵn sàng cung cấp các sản phẩm với chất lượng tương đương hoặc tốt hơn. Và cuối cùng là chất lượng marketing, nếu khâu này làm chưa tốt thì đơn giản là ít người tiêu dùng biết đến sản phẩm của đơn vị.

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp phục vụ thiết thực nhu cầu của người dùng

Đồng hành để sản phẩm vươn xa

Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, đồng thời cũng là tâm tư của nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, DN khởi nghiệp khi cho rằng, chính quyền nên có cơ chế để đồng hành cùng startup về tiêu thụ sản phẩm. Ông Cường tính, chỉ cần chính quyền tham gia mua 30% lượng sản phẩm này để dùng phục vụ làm quà tặng, lưu niệm trong các cuộc xã giao, hội nghị, hội họp hay giao lưu kết nối với các địa phương, đối tác bên ngoài là đã giúp rất nhiều cho DN khởi nghiệp. Tất nhiên, sản phẩm khởi nghiệp này đòi hỏi phải đảm bảo về chất lượng, nhãn mác và thể hiện được đặc trưng, văn hóa của địa phương.

Nói như vậy không có nghĩa những sản phẩm được tạo ra từ các đề tài, dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (KNĐMST) bị bỏ rơi. Vì thực tế, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển khởi nghiệp như đào tạo, hướng dẫn, tập huấn, nâng cao năng lực, lập kế hoạch, định hướng phát triển cho các dự án (DA) khởi nghiệp, các sản phẩm khởi nghiệp. Các đơn vị, tổ chức liên quan còn đẩy mạnh kết nối đội ngũ chuyên gia cố vấn khởi nghiệp, tài chính trong khởi nghiệp và phổ biến, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là hỗ trợ cho các DA đạt giải cuộc thi KNĐMST thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.

Trong đó, phải kể đến các DA đem lại hiệu ứng cao, như: “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền” của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol; “Ứng dụng KH&CN trong sản xuất một số cây đặc sản thương hiệu Nam Đông tại khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi Thác Mơ” của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ YesHue Eco; “Ứng dụng KHCN sản xuất cây sen tại Thừa Thiên Huế theo chuỗi liên kết” của Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt; “Ứng dụng KHCN để sản xuất chế biến các sản phẩm nghệ thuật Trúc Chỉ từ các phế phẩm nông nghiệp ở Thừa Thiên Huế” của Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam; “Nghiên cứu ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn trong đánh giá, phân loại xếp hạng sức khỏe tài chính của các DN tại Thừa Thiên Huế” của Công ty TNHH MTV AIQuant.

Ngành KHCN đã hỗ trợ các dự án khởi nghiệp thiết kế, xây dựng bộ chuẩn nhận diện thương hiệu và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ (sản phẩm chủ lực, đặc sản trên địa bàn tỉnh) của Công ty TNHH MTV Viết Bảo QB; sản phẩm hoa giấy Maypaperflower của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ INNODIR.

Sau khi nhận hỗ trợ thông qua thực hiện DA KHCN cấp tỉnh, đến nay, các DA khởi nghiệp đã triển khai, bước đầu góp phần hoàn thiện và phát triển các sản phẩm khởi nghiệp, phát triển thị trường. Đây là động lực quan trọng đối với các tổ chức, cá nhân, DN khởi nghiệp trong tình hình mới và cũng nhằm kích thích nhiều người tham gia, dù bước đầu có thể chấp nhận gặp rủi ro.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Tác giả: Le Viet Anh