Cứ đến Tết lại lo... ngộ độc rượu
Thời điểm cận kề Tết Nguyên đán cũng là dịp các buổi liên hoan, tiệc tùng, tụ tập bạn bè, anh em, đồng nghiệp diễn ra kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ rượu cũng tăng mạnh. Hệ lụy là số người nhập viện ngộ độc rượu bia, rối loạn tâm thần cũng sẽ tăng cao.
Ngày 27/12/2024, một vụ ngộ độc rượu xảy ra tại cửa hàng bán bánh canh cá lóc với 4 người mắc do uống rượu trắng ở quán và loại rượu trắng được mua về từ tạp hóa cũng nằm trên địa bàn phường 11, thành phố Vũng Tàu.
Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy cả 4 nạn nhân đều bị ngộ độc Methanol. Trong đó có 3 mẫu rượu phát hiện methanol và vượt rất nhiều lần hàm lượng methanol cho phép trong rượu.
Bệnh nhân N.Q.C tại Trung tâm chống độc - BV Bạch Mai vào ngày 31/12/2024. Ảnh: BVCC |
Ghi nhận tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thời điểm sát Tết, Trung tâm đã tiếp nhận những ca ngộ độc methanol chứa trong rượu rất nặng, tiên lượng tử vong cao. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân N.Q.C (nam, 28 tuổi, ở Nam Định), có tiền sử viêm dạ dày, vào viện ngày 30/12/2024.
Theo người nhà bệnh nhân N.Q.C, cách 2 ngày vào viện, bệnh nhân uống rượu cùng nhiều đồng nghiệp ở Hà Nội. Sau uống rượu bệnh nhân mệt nhiều, nhưng vẫn về quê vợ ở Phú Xuyên, Hà Nội chơi. Bệnh nhân ngày càng thấy mệt nhiều hơn.
Cách 3 giờ vào viện, bệnh nhân đột ngột xuất hiện khó thở, không đau ngực, được người nhà đưa vào bệnh viện ở Phú Xuyên để thở oxy. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân khó thở tăng, ý thức lơ mơ. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, sau đó chuyển đến Trung tâm cấp cứu của BV Bạch Mai.
Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm toan chuyển hóa nặng, PH 6,8; HCO3 không đo được, Lactat 5,9. Được chẩn đoán theo dõi ngộ độc methanol. Bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê… Tại Trung tâm chống độc, bệnh nhân được thở máy, lọc máu liên tục 8 giờ.
ThS.BS. Nguyễn Tiến Đạt, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trường hợp bệnh nhân N.Q.C kể trên ngộ độc methanol rất nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có nồng độ methanol trong máu là 103mg/dl, gấp 5 lần nồng độ gây độc.
Ngày 31/12, bệnh nhân hôn mê sâu, mất hết phản xạ. Kết quả chụp sọ não cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết não lớn, đây là biến chứng của ngộ độc methanol, nguy cơ tử vong cao. Đến rạng sáng 1/1/2025, gia đình đã xin cho bệnh nhân về quê tại Nam Định.
Cảnh giác với các loại rượu “quê”, rượu “nhà nấu”
ThS.BS. Nguyễn Tiến Đạt cho biết: Cứ đến cuối năm là bệnh viện phải tiếp nhận nhiều ca ngộ độc methanol hay các ca bệnh liên quan đến rượu. Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất mọi người không nên uống rượu; khi tham dự các buổi liên hoan cuối năm, hay trong các dịp lễ, Tết, nếu uống rượu cần nâng cao cảnh giác, không tin tưởng những loại rượu không rõ nguồn gốc, kể cả do người thân quen mang đến.
"Cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc và chất lượng của các loại rượu trước khi uống. Không nên lạm dụng rượu, đã uống rượu hay các đồ uống có cồn khác thì tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đối với những người có tiền sử bị xơ gan, viêm tụy cấp, gút, rối loạn mỡ máu, viêm loét dạ dày tá tràng hay mắc các bệnh mãn tính khác cần hạn chế rượu nhiều nhất có thể", Ths.Bs. Nguyễn Tiến Đạt cảnh báo.
Các bệnh nhân ngộ độc rượu bia điều trị tại bệnh viện |
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Cồn công nghiệp methanol khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương, đặc biệt là tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương não; tuy nhiên, rất nguy hiểm khi thực tế có những trường hợp đã bị tổn thương thần kinh mắt và não nhưng chưa biểu hiện triệu chứng nên không đi thăm khắm.
Đến khi bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu tổn thương não, tổn thương mắt mới nhập viện thì đã muộn. Mắt lúc này có thể đã bị mù hoàn toàn, tổn thương não lớn có thể dẫn đến tử vong. Trong trường hợp bệnh nhân qua khỏi, cũng sẽ để lại những di chứng về thần kinh mắt và não",
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, khi uống rượu pha methanol sẽ thấy có vị hơi ngọt, không đắng như rượu thông thường. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn.
Khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu, co giật, hôn mê… Khi đến bệnh viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
Giám đốc Trung tâm Chống độc cũng cho hay, người ngộ độc rượu sẽ có biểu hiện đau bụng dữ dội, đau đầu, chóng mặt, nôn, hạ thân nhiệt, khó thở, giảm hoặc mất thị lực.
Nặng hơn, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nhanh, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Những trường hợp người bệnh được cấp cứu cũng có thể phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan, thận…
Để kịp thời ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến rượu và cảnh báo cộng đồng nhất là trong giai đoạn chuẩn bị Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn số 3253/ATTP-NĐTT đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan chức năng ngành Công Thương tại các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, các cơ sở nấu rượu thủ công.