Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tiếp nhận vai trò Chủ tịch APEC từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN
Sự kiện đang được tổ chức ở Palm Springs, tiểu bang California, Mỹ từ ngày 14 - 28/2.
Được biết, Mỹ đang đảm nhận nhiệm vụ nền kinh tế chủ nhà APEC năm 2023, với trọng tâm là tạo điều kiện cho một tương lai kết nối với nhau, đổi mới sáng tạo và toàn diện hơn cho tất cả mọi người.
Theo đó, hơn 100 hội nghị và hội thảo được lên kế hoạch tổ chức, nhằm tăng cường sự tham gia giữa các nền kinh tế thành viên, đồng thời thúc đẩy chương trình nghị sự của năm nay, hướng tới đảm bảo tăng trưởng bền vững và bao trùm trong khu vực.
Trong một nhận định liên quan, ông Matt Murray, quan chức cấp cao Mỹ phụ trách APEC cho biết: “APEC 2023 mang đến một cơ hội đặc biệt để tạo ra một nền tảng mạnh mẽ cho các Chính phủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm thu hút các bên liên quan quan trọng trên khắp 21 nền kinh tế thành viên APEC”.
“Hợp tác công tư đóng vai trò rất quan trọng để tăng cường và mở rộng quan hệ kinh tế với khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, bao gồm các lĩnh vực thương mại và đầu tư, số hóa và đổi mới sáng tạo, tính bền vững và tăng trưởng bao trùm”, ông Matt Murray nói thêm.
Về phần mình, bà Rebecca Sta Maria, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC cho rằng: “Chúng ta bắt đầu APEC 2023 với động lực lớn, và điều quan trọng là cần duy trì tiến độ này khi chúng ta giải quyết một loạt vấn đề trong năm nay”.
“Chúng ta cần xây dựng dựa trên những bài học từ đại dịch; cần khả năng dự báo nhiều hơn, sự hiệu quả lớn hơn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của hàng hóa và dịch vụ, cần tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực, cũng như nhiều đổi mới sáng tạo hơn, không chỉ theo nghĩa phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, mà còn cả tính linh hoạt và khả năng thích ứng”, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC khẳng định.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Apec.org & Palm Springs Newsletter)