• :
  • :

Thúc đẩy tăng trưởng xanh vì một Thủ đô xanh

(13/01/2025)

Với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực trong triển khai, nhiều mục tiêu tăng trưởng xanh của Hà Nội đang trên đường về đích.

Xu thế toàn cầu và hành động của Hà Nội

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, đang đối mặt với những thách thức lớn về nước biển dâng, thiên tai, thời tiết cực đoan và các ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh trở thành một yếu tố then chốt trong hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh vì một Thủ đô xanh

Hà Nội nỗ lực xanh hóa các ngành kinh tế và sản xuất

Netzero hay còn được hiểu là "Phát thải ròng bằng 0" là một mục tiêu môi trường nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra xuống mức cân bằng với khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí thải của Trái đất. Đây cũng chính là mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).

Để đạt được điều này, cả Chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân đều cần cam kết giảm phát thải và hỗ trợ các giải pháp cho khả năng hấp thụ carbon, tạo ra một nền kinh tế toàn cầu ít carbon hơn, bền vững hơn. Trong đó, vai trò của các tỉnh, thành là rất quan trọng, đặc biệt là các trung tâm lớn như Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu Netzero của Chính phủ. Bởi, Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư, cũng là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Chính vì tập trung đông dân nên số lượng phương tiện giao thông ở Hà Nội rất cao. Đây là nguồn gây ra ô nhiễm chủ yếu - chiếm tới 70% tổng mức phát thải gây ô nhiễm và có xu hướng tăng dần hằng năm.

Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành. Do đó, việc giảm phát thải từ vận tải đường bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu Hà Nội không thể giải quyết được vấn đề này thì rất khó để có thể đạt được mục tiêu Net Zero.

Quán triệt các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều mục tiêu và giải pháp được cụ thể trong những chương trình, đề án, kế hoạch.

Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Tiêu biểu là Kế hoạch điều hành triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn 2050; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 29/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại".

Đặc biệt, theo kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2025, Hà Nội trở thành thành phố đi đầu trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Nhiều giải pháp trọng tâm đang được Hà Nội triển khai. Trong đó có tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ xanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học cao, dịch vụ trình độ cao, nông nghiệp sinh thái, giảm thiểu phát thải; khai thác hiệu quả tài nguyên, sử dụng năng lượng tiết kiệm...

Với nhiều nỗ lực, các nhóm chỉ tiêu tăng trưởng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang được cải thiện. Đến nay, 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch. Tỷ lệ thu gom rác bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tại khu vực đô thị đạt trên 97,6%. Hiện có gần 100% các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất lớn được quản lý xả thải, có bể chứa, bể gom và máy lọc trước khi xả ra môi trường và khoảng gần 30% lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được thu gom, xử lý... Nhiều mục tiêu và chỉ tiêu tăng trưởng xanh khác vẫn đang trên đường về đích.

Sự đồng hành của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp

Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp xanh trong mọi lĩnh vực kinh tế.

Trong đó có các chính sách ưu đãi tài chính và phi tài chính cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình này như ưu đãi thuế, tiếp cận tài chính và các quy định về lãi suất… để thực hiện các dự án phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng xanh không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực từ Chính phủ mà còn cần sự đồng hành và sáng tạo của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát triển các mô hình kinh doanh xanh và xây dựng một chiến lược phát triển bền vững lâu dài, hướng tới một tương lai xanh và thịnh vượng cho đất nước.

Hà Nội có cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh lớn thứ 2 cả nước. Ngày càng nhiều doanh nghiệp có ý thức và hành động thiết thực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Theo ông Phạm Hoài Trung, Trưởng ban Vận động Net to Zero 2050, một bộ phận lớn doanh nghiệp đang tập trung ở Thủ đô. Khi chúng ta thực hiện Net to Zero - giảm khí thải nhà kính thì tất cả doanh nghiệp cần phải có kiến thức về lĩnh vực này. Việc đầu tiên vẫn là phải có nhận thức, có sự tìm hiểu và nghiên cứu, học hỏi về nó.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh vì một Thủ đô xanh

Phát triển Hà Nội xanh và bền vững cần sự chung tay của cộng đồng

Tăng trưởng xanh, một mặt gây áp lực cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặt khác là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp duy trì và cải thiện vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo cơ hội kinh doanh mới. Một số cơ hội đầu tư và động lực do tăng trưởng xanh mở ra như áp dụng công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm mới, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường, giảm thải carbon; sản xuất và phân phối sản phẩm tiêu dùng sinh thái; xây dựng bất động sản xanh, vùng chuyên canh, hải cảng xanh...

Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về quy hoạch, chính sách tài chính - tín dụng, thông tin và công nghệ cũng như đào tạo nhân lực. Đặc biệt, doanh nghiệp cần hỗ trợ xây dựng các quy chuẩn, dán nhãn hiệu tăng trưởng xanh trong từng lĩnh vực, địa bàn, sản phẩm; thúc đẩy các dịch vụ xúc tiến thương mại, đầu tư và các hỗ trợ tư pháp khác nhau...

Theo Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhận định, Hà Nội đã và đang thay đổi mạnh mẽ, mở rộng, hiện đại và đẹp hơn, nhận thức về tăng trưởng xanh cũng được nâng lên. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang đối diện với nhiều vấn đề và còn nhiều việc phải làm để tăng trưởng xanh hơn. Đáng quan ngại nhất là việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, sông hồ và rác thải... Hà Nội cần ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng xanh, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường. Trong đó, thường xuyên rà soát, bổ sung, nâng cấp các quy chuẩn về môi trường, khí thải và chất lượng không khí; xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, khu công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế và các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế, giảm thiểu phát thải...

Đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để Hà Nội đột phá trong xây dựng giải pháp đặc thù nhằm bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Cùng với đó, Hà Nội cần thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, trong đó thí điểm và nhân rộng các mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh và thương mại xanh, gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành công nghiệp môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững; tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước cụm công nghiệp, làng nghề.

Đồng thời, thành phố cần rà soát các quy hoạch, kế hoạch để bảo đảm sự phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh; lồng ghép các nội dung tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Song song đó, Hà Nội cần xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng rộng rãi thiết bị năng lượng có hiệu suất cao, thay thế, loại bỏ dần công nghệ lạc hậu.

Đặc biệt, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để toàn dân hiểu và cùng tham gia thực hiện, từng nhà, từng công ty cùng hành động. Có như thế, những mục tiêu và kì vọng về tăng trưởng xanh mới thực sự phát huy hết hiệu quả.

Link bài gốc Copy link
 
Tác giả: Trí Nhân