• :
  • :

Tháo gỡ khó khăn, tạo bứt phá phát triển sản phẩm OCOP 5 sao

(29/04/2025)

Hà Nội là địa phương được đánh giá đi đầu trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chiếm 22,1% tổng sản phẩm trên cả nước. Tuy vậy, số lượng sản phẩm được đánh giá 5 sao - sản phẩm quốc gia có thứ hạng cao nhất trong thang đánh giá OCOP của Hà Nội vẫn còn khá khiêm tốn. Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP 5 sao, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể.

Số lượng sản phẩm OCOP 5 sao vẫn khiêm tốn so với tiềm năng

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, tính đến hết năm 2024, cả nước có gần 15.000 sản phẩm OCOP; trong đó, TP Hà Nội có 3.317 sản phẩm được chứng nhận (chiếm 22,1% tổng số sản phẩm của cả nước). Tuy nhiên, Hà Nội mới có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt 5 sao. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.

Việc phấn đấu để có sản phẩm OCOP 5 sao đối với các chủ thể là vô vàn khó khăn bởi rất nhiều rào cản. Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) Phan Thị Thuận cho biết: Đầu năm 2023, công ty đã có sản phẩm "Chăn bông tơ tằm tự dệt" được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương công nhận đạt 5 sao. Ngoài ra còn một số sản phẩm khác, như: Khăn lụa tơ tằm, khăn lụa tơ sen, khăn lụa tơ tằm dệt nổi hoa sen, gối kết hôn tơ sen… đã được TP đánh giá, phân hạng 4 sao.

Tháo gỡ khó khăn, tạo bứt phá phát triển sản phẩm OCOP 5 sao

Hà Nội là địa phương được đánh giá đi đầu trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chiếm 22,1% tổng sản phẩm trên cả nước

“Những năm qua, chúng tôi đã nỗ lực nâng cấp sản phẩm 4 sao để đạt 5 sao, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân do quy trình xét duyệt sản phẩm 5 sao yêu cầu rất chi tiết về tính đặc thù vùng miền, tác động cộng đồng, câu chuyện sản phẩm… Sản phẩm của chúng tôi chưa đủ hồ sơ minh chứng, nên chưa được xét”, bà Phan Thị Thuận nói.

Cũng gặp khó khăn trong đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao, Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Con bò vàng Ba Vì Đào Công Trường cho hay: Là vùng có đàn bò sữa lớn nhất TP Hà Nội, công ty đã liên kết với các hộ chăn nuôi bò sữa để có nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến. Hiện tại, công ty đã có hơn 20 sản phẩm sữa các loại cung ứng ra thị trường, như: Sữa bò thanh trùng, sữa chua, bánh sữa… Trong đó, nhiều sản phẩm đã được UBND TP đánh giá, phân hạng và công nhận OCOP 4 sao.

Mong muốn được nâng cấp sản phẩm lên 5 sao đồng nghĩa với việc công ty phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và tiệm cận chuẩn quốc tế (ISO, HACCP, GMP…). Trong khi đó, chủ thể thường thiếu đội ngũ kỹ thuật, tư vấn chuyên sâu, nên việc hoàn thiện hồ sơ và tiêu chuẩn rất vất vả.

Tháo gỡ khó khăn, tạo bứt phá phát triển sản phẩm OCOP 5 sao

Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) có nhiều sản phẩm OCOP được chứng nhận 5 sao

Là chủ thể của các sản phẩm OCOP 4 sao chế biến từ trồng trọt, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Hà (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) Nguyễn Thị Mai thông tin: Vùng nguyên liệu của công ty chưa được cấp mã số vùng trồng. Hơn nữa, mẫu mã bao bì sản phẩm vẫn chưa thực sự hấp dẫn, công ty mong được tư vấn và hướng dẫn làm hồ sơ để được đánh giá 5 sao.

Gia tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP Hà Nội Ngọ Văn Ngôn thông tin: Lũy kế từ năm 2019 khi Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phát động, đến nay TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao.

Tháo gỡ khó khăn, tạo bứt phá phát triển sản phẩm OCOP 5 sao

TP Hà Nội sẽ tập trung rà soát, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt 4 sao và tiềm năng 5 sao nâng cấp chất lượng, hoàn thiện hồ sơ để trình trung ương đánh giá công nhận

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XII, từ năm 2021 đến nay, Hội đồng OCOP TP đã đánh giá, phân hạng được 2.263 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 840 sản phẩm 4 sao và 1.412 sản phẩm 3 sao.

Kết quả trên không chỉ đưa Hà Nội trở thành địa phương có số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP nhiều nhất cả nước mà còn hoàn thành sớm trước 1 năm mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ khoá XVII giai đoạn 2021 - 2025 (phấn đấu công nhận được ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP).

Với số lượng sản phẩm OCOP như hiện nay, TP Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 3% sản phẩm tham gia đánh giá và phân hạng OCOP 5 sao. Do vậy, TP cần tập trung rà soát, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt 4 sao và tiềm năng 5 sao nâng cấp chất lượng, hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương đánh giá công nhận, nhằm bảo đảm mục tiêu đề ra.

Tháo gỡ khó khăn, tạo bứt phá phát triển sản phẩm OCOP 5 sao

Năm 2025, Hà Nội phấn đấu trình trung ương đánh giá, công nhận thêm ít nhất 30 sản phẩm OCOP 5 sao

Năm 2025, Hà Nội phấn đấu trình Trung ương đánh giá, công nhận thêm ít nhất 30 sản phẩm OCOP 5 sao. Để tháo gỡ khó khăn, tạo bứt phá phát triển sản phẩm OCOP 5 sao, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể OCOP xây dựng hồ sơ sản phẩm 5 sao để đáp ứng các tiêu chí đề ra.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể trong công tác tư vấn hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác, hồ sơ để các chủ thể hoàn thiện cao nhất sản phẩm. Với những nỗ lực đó, hy vọng Hà Nội không chỉ dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP 5 sao, mà còn dẫn đầu cả về chất lượng sản phẩm.

Phó Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Đặng Quý Nhân đánh giá: Qua chấm điểm các sản phẩm OCOP 5 sao cho thấy, đa số các chủ thể còn yếu về việc hoàn thiện hồ sơ minh chứng cho sản phẩm. Hơn nữa, bao bì, nhãn mác còn chưa đạt chuẩn xuất khẩu, như: Thiếu chuyên nghiệp về thiết kế, chất liệu không bảo đảm yêu cầu bảo quản lâu dài, vận chuyển quốc tế; thiếu mã số, mã vạch quốc tế, thông tin nhãn không đầy đủ ngôn ngữ.

Tháo gỡ khó khăn, tạo bứt phá phát triển sản phẩm OCOP 5 sao

Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, minh bạch thông tin trước người tiêu dùng

Các chủ thể cũng hạn chế về năng lực marketing và xây dựng thương hiệu. Nhiều chủ thể mới chỉ bán trong vùng, chưa có chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường toàn quốc hoặc quốc tế; không có website, nền tảng thương mại điện tử, truyền thông, nên sản phẩm chưa được nhận diện rộng rãi…

"Từ việc chỉ ra những khó khăn đó, TP Hà Nội và trung ương sẽ có những hỗ trợ cho các chủ thể để khắc phục hạn chế, đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP 5 sao", ông Đặng Quý Nhân nói.

Được biết, trong giai đoạn đầu thực hiện Chương trình OCOP, TP chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Tuy nhiên để tăng sức cạnh tranh, tạo dựng được thương hiệu mạnh cho sản phẩm OCOP, trong giai đoạn tới, TP Hà Nội sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đặc sản bản địa.

Tháo gỡ khó khăn, tạo bứt phá phát triển sản phẩm OCOP 5 sao

TP Hà Nội và trung ương sẽ có những hỗ trợ cho các chủ thể để khắc phục hạn chế, đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP 5 sao

Để kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, hàng năm, TP đều thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc triển khai Chương trình OCOP và thực tế hoạt động sản xuất tại các cơ sở. Qua giám sát, đơn vị chức năng liên quan đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, thậm chí là thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đối với các chủ thể không duy trì các tiêu chí theo quy định.

Trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn hiệu lực; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm để dự thi nâng hạng, từ đó gia tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP của Thủ đô.

Để phát triển bền vững Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Thời gian tới, TP sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp gồm: Hỗ trợ chủ thể đa dạng hóa các mặt hàng; đẩy mạnh kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ; quản lý chặt chẽ và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, minh bạch thông tin trước người tiêu dùng. Qua đó, đưa sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh, khẳng định được uy tín trên thị trường và đáp ứng nhu cầu tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn của người dân Thủ đô.

 

 

Link bài gốc Copy link