Sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức
Cùng với sự phát triển chung của các loại hình kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân nước ta đã không ngừng phát triển và có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kinh tế tư nhân được xem là động lực tăng trưởng kinh tế với tổng số doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động khoảng 900.000, trong số đó có không ít tập đoàn lớn như Vingroup, Vinamilk, Massan, Sun Group, Vietjet, Thaco… doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng và đóng góp khoảng 51% GDP, tạo ra hơn 40 triệu việc làm cho xã hội. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất thép, ô tô, công nghệ cao… đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân.
Những con số trên cho thấy, trong nhiều năm qua, kinh tế tư nhân đã chứng minh là một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Để khu vực này thực sự "cất cánh" và phát huy hết tiềm năng, cần phải có một "đường băng" đủ dài và vững chắc. Nghị quyết 68 ra đời chính là để đáp ứng yêu cầu đó.
Nghị Quyết 68 đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân |
Nghị quyết 68 đã chỉ rõ 5 quan điểm chỉ đạo cốt lõi, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân. Đặc biệt, Nghị quyết đánh giá kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cấu trúc nền kinh tế.
Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả và chất lượng cao là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển quốc gia nhằm giải phóng mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển.
Đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, đóng góp 55 - 58% GDP. Đến năm 2045, phấn đấu có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động, đóng góp trên 60% GDP.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao trùm các khía cạnh từ nhận thức, thể chế, nguồn lực đến khoa học, công nghệ và phát triển đội ngũ doanh nhân.
Hàng loạt giải pháp thiết thực để tháo gỡ các “điểm nghẽn”
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: "Một trong những điểm quan trọng nhất của Nghị quyết này đấy là thể hiện một tinh thần mới, một tư duy đột phá về vai trò và tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Trước hết là về khẳng định vai trò của khu vực này, đây là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế trong giai đoạn tới. Chúng ta đã đổi mới về tư duy, về nhìn nhận và đưa ra rất nhiều những giải pháp rất là thiết thực".
Nghị quyết có rất nhiều những nhóm giải pháp cụ thể và rõ ràng cho các bộ, các ngành, các địa phương thực hiện và nhiều những quan điểm tiến bộ từ những vấn đề khó, nhạy cảm như vấn đề về vụ việc hình sự thì xử lý như thế nào cho đến việc đổi mới về tư duy quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Những giải pháp như miễn thuế 3 năm đối với doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp tuy nhân lần đầu tiên được tham gia những lĩnh vực công nghiệp an ninh, quốc phòng.
Nghị quyết 68 được xem là dấu mốc tư duy mới, mở ra giai đoạn kiến tạo thể chế và môi trường phát triển thực chất cho kinh tế tư nhân. Ảnh minh họa |
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho hay: "Chúng tôi đánh giá rất cao Nghị quyết lần này vì đây là lần đầu Bộ Chính trị khẳng định vai trò quan trọng là động lực chính của kinh tế tư nhân, đến năm 2030 chúng ta có 2 triệu doanh nghiệp. Chúng ta thấy Nghị quyết ghi rõ mục tiêu tăng trưởng về số và tăng trưởng về xanh. Một điều hết sức quan trọng là chúng ta không hình sự hóa các quan hệ kinh tế để giúp cho các doanh nghiệp tư nhân chúng ta có một không gian mới trong phát triển".
Để phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, ngày 6/3/2025, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 526/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân (Ban Chỉ đạo) do Thủ tướng làm Trưởng Ban. Hơn một tuần sau, ngày 15/3/2025, Ban Chỉ đạo đã họp, thảo luận các nội dung chính của Đề án. Trong đó, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh việc phải tìm ra các giải pháp để khơi thông các điểm nghẽn, tháo gỡ rào cản thể chế; tạo ra môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch; huy động tối đa nguồn lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới.
Cùng với đó, phải xây dựng Đề án với các chính sách đủ mạnh, mang tính đột phá, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới, với nội dung cụ thể, rõ ràng, bảo đảm ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp đột phá tháo gỡ điểm nghẽn nổi cộm cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân và 1.000 doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt, tiên phong trong các lĩnh vực.
Trước ngưỡng cửa kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với định hướng chiến lược của Đảng, sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, đóng góp xứng đáng vào mục tiêu tăng trưởng hai con số.