Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ (thứ 4, từ trái sang) đánh giá cao những sản phẩm của nghề rèn cầu Vực
Tại hội nghị, hơn 100 học viên là lãnh đạo, cán bộ phụ trách ở xã, phường, các hợp tác xã, tổ chức, doanh nghiệp, chủ trang trại, cá nhân… sản xuất kinh doanh trên địa bàn thị xã được nghe các chuyên đề: Chủ trương một số chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh; hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; nâng cao kiến thức về tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ...
Theo bà Ngô Thị Ái Hương, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy, thời gian qua, thị xã đã bước đầu hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ thông qua hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, làng nghề và các sản phẩm có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu tập thể, qua đó thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, năng suất lao động…
Tính đến nay, trên địa bàn TX. Hương Thủy đã có 7 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ cấp phép, gồm: gà PHS Phú Sơn; trà mướp đắng Thủy Dương; rau an toàn Vân Thê; nấm rơm Thủy Lương; làng nghề chổi đót Thanh Lam; rèn truyền thống cầu Vực và lúa gạo chất lượng cao Thủy Châu. Những nhãn hiệu này được thị trường đón nhận, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Hiện, Hương Thủy đang lập hồ sơ Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho điểm đến du lịch “Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn” xã Thủy Thanh.