• :
  • :

Siết kỷ cương, tạo động lực phát triển Thủ đô

(10/02/2024)

Hà Nội đang đứng trước thời cơ và cơ hội phát triển mới nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực tiễn đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô phải thực hiện tốt hơn nữa các nghị quyết của Đảng, tạo sức bật mới cho con đường phát triển của TP. Một trong những giải pháp được TP kiên trì thực hiện là siết chặt kỷ cương, kỷ luật để sáng tạo, hành động và phát triển.

Tầm nhìn mới tạo động lực mới

Năm 2023, Hà Nội được “hỗ trợ“ tầm nhìn và tư duy mới với Nghị quyết số 15- NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Từ nguồn động lực mới, hơn một năm qua, TP đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội hậu COVID-19 và thu về những thành quả tích cực.

TP cơ bản hoàn thành các mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội năm 2023 với 18/23 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Ước cả năm 2023, GRDP của TP tăng 6,27%, thấp hơn kịch bản đề ra nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng trên 5%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Siết kỷ cương, tạo động lực phát triển Thủ đô

Tinh thần kỷ cương, kỷ luật được quán triệt thường xuyên, sâu sắc tại các cuộc họp của Thành ủy

Thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với thực hiện năm 2022 (trong đó, thu nội địa năm 2023 ước đạt 373,1 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 93,18%). Chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, tiết kiệm chi thường xuyên. Vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%. Lượng khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội dự kiến đạt 24 triệu lượt khách (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế), vượt mục tiêu đề ra (22 triệu lượt khách)…

Năm 2023, Hà Nội đã có bước đi đột phá về phát triển hạ tầng khi khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với gần 90% diện tích đã được giải phóng mặt bằng; 14 mũi thi công đang được triển khai. Hà Nội cũng đã chỉ đạo nhiều giải pháp mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng, nổi cộm, cấp thiết đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân như thông qua Đề án quản lý tài sản công; xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai; tăng cường phân cấp, ủy quyền; Đề án cải tạo các khu chung cư cũ...

Bên cạnh việc duy trì phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, TP còn làm tốt và không ngừng cố gắng để ngày càng làm tốt hơn công tác an sinh xã hội và bảo trợ xã hội trên tinh thần để không ai bị bỏ lại phía sau; phấn đấu đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo.

TP đã tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng thể chế nhằm cụ thể hóa mục tiêu trở thành thành phố "Văn hiến - văn minh - hiện đại"; phối hợp hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để lần đầu tiên trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đưa ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) chú trọng đề xuất việc phân cấp, giao quyền cho Hà Nội nhằm tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô và đất nước tiến lên.

Siết kỷ cương, tạo động lực phát triển Thủ đô

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm của TP Hà Nội là tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị

Nhìn vào những kết quả trên, ít ai ngờ, quý I/2023, kinh tế của Thủ đô còn đứng trước muôn vàn thách thức gắn với khó khăn. Đó là sức ép từ thu hẹp đơn hàng xuất khẩu, giảm sức mua thị trường, chỉ số tiêu thụ nhiều ngành công nghiệp và chỉ số sử dụng lao động công nghiệp... trong khi tăng áp lực lạm phát, lãi suất và một số chi phí đầu vào nhập khẩu. Cùng với đó là tâm lý thận trọng, phòng ngự của các doanh nghiệp khá phổ biến, nhất là các ngành dệt may, da, giày và đồ gỗ…

Kinh tế khó khăn, trong khi ùn tắc giao thông, úng ngập còn xảy ra ở một số nơi; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, nhất là tại một số làng nghề; quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế, vi phạm trật tự xây dựng, tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục khó khăn và có xu hướng chậm dần qua các năm; công tác phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao....

Trước bối cảnh đó, Hà Nội đã chủ động và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thích ứng với biến động thị trường, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng là trung tâm lớn và đầu tàu kinh tế của cả nước. Thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, TP tiếp tục siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chủ động, tích cực giải quyết các công việc theo thẩm quyền; kịp thời khắc phục, xử lý tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc.

Siết kỷ cương, tạo động lực phát triển Thủ đô

Một trong những giải pháp được các đồng chí lãnh đạo TP kiên trì thực hiện là siết chặt kỷ cương, kỷ luật để sáng tạo, hành động và phát triển

Bên cạnh việc triển khai nhanh, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành; TP phát huy hiệu quả Tổ công tác đặc biệt của UBND TP, kiên quyết đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ trong khả năng cao nhất cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống của người dân.

Duy trì kỷ luật, kỷ cương, hành động, sáng tạo

Với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cùng những chỉ đạo quyết liệt, linh động, sáng tạo theo tinh thần: “Các việc cấp bách phải được giải quyết ngay, các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm được tập thể bàn bạc kỹ, thấu đáo trước khi quyết định; các công việc khác phải được giải quyết bảo đảm yêu cầu về tiến độ cụ thể”, Hà Nội từng bước vượt qua khó khăn thách thức.

Không bằng lòng với thực tại, ngày 7/8/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP”. Chỉ thị số 24 có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó nhấn mạnh việc đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hóa, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi nhiệm vụ…

Siết kỷ cương, tạo động lực phát triển Thủ đô

Năm 2023, Hà Nội đã có bước đi đột phá về phát triển hạ tầng giao thông

Năm 2024, Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), một cột mốc có ý nghĩa to lớn, đánh dấu quá trình vươn lên của Hà Nội trong nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và phát triển.

Đây cũng là năm thứ 4, TP thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm của TP là tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm; huy động cả hệ thống chính trị để tham gia thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ công tác.

TP tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2024 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, gương mẫu, đi đầu, gần dân, sát dân, thực hiện tốt phương châm "dân là gốc"; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị TP trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Các cấp, ngành cùng với việc thực hiện thật tốt chủ đề: "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, phải chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.

Siết kỷ cương, tạo động lực phát triển Thủ đô

Bí thư Thành ủy đề nghị, các địa phương, đơn vị bám sát các chương trình, nghị quyết rà soát lại từng nhiệm vụ, chỉ tiêu để chủ động có kế hoạch, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi; cải thiện thực chất việc phân cấp, ủy quyền.

Đồng thời, thành phố tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đường sắt đô thị, Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà máy xử lý nước thải...

Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên chính là chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Thực tế đã chứng minh, hiệu quả đem lại từ quan điểm chỉ đạo này là vô cùng tích cực, là “hạt mầm” cho động lực phát triển cho Thủ đô và đất nước.

Tác giả: Tú Linh