• :
  • :

Ra mắt sách “Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc”

(20/11/2024)

Thương hiệu địa phương có vai trò làm tăng giá trị nhận thức về con người, sản phẩm, văn hóa, môi trường kinh doanh và điểm thu hút du lịch của địa phương hoặc tỉnh, thành phố, quốc gia, vùng lãnh thổ. Thương hiệu địa phương không chỉ tạo nên hình ảnh tích cực, sự khác biệt so với các địa phương khác, nâng cao giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử, mà còn tạo ra những hiệu ứng tốt về hiệu quả đầu tư và thị trường từ bên ngoài, kích thích nội lực bên trong, đem lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế lâu dài và bền vững.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay, mỗi địa phương đều phải cạnh tranh với các địa phương khác nhằm thu hút nguồn nhân lực, du khách và đầu tư, thậm chí cả sự tôn trọng và quan tâm của mọi người. Vì vậy, để xây dựng thương hiệu địa phương hiệu quả, mỗi địa phương cần phát triển một chiến lược thương hiệu mạnh mẽ, xác định rõ các giá trị độc đáo và sự khác biệt của mình, trong đó một số yếu tố nền tảng cần được chú trọng, như: Xác định tầm nhìn chiến lược chung; có một chính sách minh bạch, rõ ràng; định vị được những giá trị đặc trưng và không trùng lặp với các địa phương khác; phát triển hình ảnh và bản sắc nhất quán...

Nhằm cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý nhà nước tại các địa phương, cán bộ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo và đông đảo bạn đọc quan tâm đến vấn đề trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc” do Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung biên soạn.

Sách dày 265 trang, nội dung cuốn sách gồm sáu chương, tập trung làm rõ nhiều nội dung và phạm trù gắn với hình ảnh và bản sắc của địa phương cũng như cách thức vận hành để đạt đến một hình ảnh địa phương thu hút và hấp dẫn, bao gồm:

Chương I - Thách thức xây dựng thương hiệu địa phương, tác giả nêu ra 4 vấn đề: Gia nhập thị trường toàn cầu; Địa lý - kinh tế - chính trị; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư; Thách thức xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương tại Việt Nam

Chương II - Kinh nghiệm từ các địa phương, được lấy từ các địa phương thuộc các quốc gia trong khu vực và trong nước như: Thâm Quyến (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc), Iskandar (Malaysia), Quảng Ninh (Việt Nam), Đồng Tháp (Việt Nam), Bà Rịa - Vũng Tàu, (Việt Nam), Đà Nẵng (Việt Nam) và Bài học để vận dụng.

Chương III - Lược sử xây dựng thương hiệu địa phương - Lịch sử nghiên cứu tiến tới định hình khái niệm xây dựng thương hiệu địa phương.

Chương IV - Hình ảnh và bản sắc thương hiệu địa phương nhận diện rõ Hình ảnh địa phương, Bản sắc địa phương.

Chương V - Mô hình và nội dung xây dựng thương hiệu địa phương: Vai trò của thương hiệu địa phương; Các nhân tố ảnh hưởng đến thương hiệu địa phương; Mô hình thương hiệu địa phương; Nội dung chiến lược thương hiệu địa phương; Năng lực xây dựng thương hiệu địa phương

Chương VI – Chủ thể và quá trình xây dựng thương hiệu địa phương: Chủ thể tham gia xây dựng thương hiệu địa phương; Quá trình xây dựng thương hiệu địa phương; Tổ chức triển khai; Một số gợi ý chính sách gắn với giải pháp xây dựng thương hiệu địa phương.

Tính cấp thiết cần phải xây dựng thương hiệu địa phương, theo lý giải của Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, trong bối cảnh toàn cầu hóa và ảnh hưởng của tiến trình này đến đời sống của mỗi con người càng sâu sắc, nhiều quốc gia và địa phương tiến hành xây dựng một chiến lược hình ảnh địa phương để trở nên hấp dẫn, thu hút các nguồn lực tích cực dịch chuyển vào địa phương, từ đó giúp địa phương đạt được tăng trưởng kinh tế và phúc lợi của người dân theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, sự phân mảnh địa lý, kinh tế, chính trị toàn cầu kéo theo hàng loạt các rào cản và định chế ngăn cản sự di chuyển nguồn lực tự do toàn cầu. Các bức tường ngăn chia biên giới và các vùng lãnh thổ được dựng lên ở nhiều nơi có xung đột. Hai xu thế toàn cầu hóa và phân mảng diễn ra song song tạo ra thách thức vô cùng lớn đối với các địa phương có các điều kiện địa - chính trị khác nhau để có thể trở nên hấp dẫn với các đối tác khác nhau, trong khi lại đòi hỏi địa phương đó phải “xếp hàng” theo nhóm nhất định.

Theo quan điểm của tác giả, có ba vấn đề cơ bản đặt ra cho mỗi vùng đất, mỗi địa phương. Thứ nhất, hình ảnh địa phương là như thế nào trong tâm trí của khách hàng mục tiêu của địa phương, hoặc tâm trí của từng nhóm đối tượng hữu quan tương tác với địa phương và trong các nhận thức đó thức đó thì hình ảnh địa phương khác biệt thế nào trên phạm vi thế giới, ngoại trừ các khác biệt nhờ vị trí địa lý đem lại; Thứ hai, chính quyền địa phương phải xây dựng thương hiệu và hình ảnh địa phương như thế nào? Điều này đòi hỏi bản sắc và định hướng tầm nhìn hình ảnh địa phương trong tương lai phải khá rõ ràng và được chia sẻ thấu đáo với tất cả các nhóm đối tượng hữu quan của địa phương; Thứ ba, ai sẽ là người đảm nhiệm công việc xây dựng thương hiệu địa phương? Nhiều nhà lãnh đạo, quản lý thường nói: Mỗi người dân là một đại sứ xây dựng thương hiệu địa phương. Tuy nhiên, để thành công thực sự, các địa phương cần những người làm việc mang nguyên tắc thực thi và hiệu quả, có nhiệm vụ và sứ mệnh rõ ràng, có đủ nguồn lực và cơ chế để có thể vận hành một cách tốt nhất công việc được giao.

Trong cuốn sách này, địa phương được hiểu gồm quốc gia, tỉnh, thành phố, hoặc một vùng địa lý có biên giới và chính quyền điều hành. Trong đó, tập trung vào cách tiếp cận xây dựng thương hiệu địa phương với vai trò của chính quyền tỉnh, thành phố.

“Xây dựng thương hiệu địa phương với mục tiêu cuối cùng là đạt được các lợi ích kinh tế và phúc lợi cho người dân chính địa phương đó. Vì vậy, xây dựng thương hiệu địa phương phải phản ánh được tâm tư và nguyện vọng của người dân địa phương. Nội dung xây dựng thương hiệu địa phương phải từ cơ sở, từ người dân để chỉ ra những ước mơ và kỳ vọng của toàn dân về tương lai, về hình ảnh, về thương hiệu địa phương với tầm nhìn 50 năm hoặc 100 năm tới. Câu hỏi cơ bản là “Người dân địa phương mong muốn hình ảnh địa phương sẽ như thế nào vào 50 năm hay 100 năm sau?” và “Hình ảnh này đem lại lợi ích gì cho địa phương?”. “Người dân” là một phạm trù rộng, vì thế một số tiêu thức phân loại nhân khẩu nhất định được sử dụng để đánh giá các mong ước của từng nhóm người. Các nhóm có ảnh hưởng đến mối quan hệ cơ bản của xã hội được xem xét là: Doanh nhân; người lao động làm thuê; người thu nhập thấp; tầng lớp trung lưu; các công chức, viên chức. Một số nhóm người khác theo phân loại có thể được liệt kê nhưng chưa phải là những nhóm ảnh hưởng quyết định đến xu thế vận động của xã hội nên chỉ liệt kê một số kỳ vọng như tham khảo hữu ích thay vì phân tích chi tiết. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ là tài liệu tham khảo thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ quản lý nhà nước tại các địa phương và các cán bộ giảng dạy trong các trường học. Nhưng trên hết cả, xây dựng thương hiệu địa phương mục tiêu cuối cùng là đạt được các lợi ích kinh tế và phúc lợi cho người dân chính địa phương đó”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung cho hay.

Nguồn:https://congly.vn/ra-mat-sach-thuong-hieu-dia-phuong-hinh-anh-va-ban-sac-459798.html Copy link