Chuyển đổi số không còn là khái niệm xa lạ đối với phụ nữ nông thôn. Trong những năm gần đây, họ đã chủ động nắm bắt cơ hội từ công nghệ, không chỉ giúp nâng cao đời sống mà còn làm chủ các nền tảng thương mại điện tử, kết nối với thị trường rộng lớn hơn. Từ những bước đi nhỏ trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đến việc mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, phụ nữ nông thôn đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng số tại các làng quê.
Thay đổi tư duy, vượt qua giới hạn
Trong căn bếp nhỏ rộn ràng mùi gà ủ muối, chị Phạm Thị Nhuần (tổ 5, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) tỉ mẩn kiểm tra từng đơn hàng sắp gửi đi cho khách. Tay chị thoăn thoắt dán nhãn, gói hàng và vẫn không quên nhắn tin xác nhận với khách qua Zalo. Không ai nghĩ chỉ cách đây vài năm, người phụ nữ này còn đang loay hoay học nấu ăn cho con sau sinh. Giờ đây, chị là chủ một sản phẩm đặc sản được người tiêu dùng tin chọn từ mạng xã hội đến sàn thương mại điện tử.
![]() |
Nhiều phụ nữ ở nông thôn đang áp dụng chuyển đổi số để thúc đẩy thương mại |
Chị Nhuần cho biết, sau khi sinh con đầu lòng, chị đăng ký học nghề nấu ăn với mong muốn mang lại bữa ăn dinh dưỡng cho gia đình. Từ nhu cầu đơn giản, chị dần yêu thích công việc bếp núc, rồi bén duyên với những món ăn vặt được rao bán trên mạng. Tết năm 2018, chị thử món gà ủ muối hoa tiêu mua online – món ăn đang “hot” lúc bấy giờ. Dù thấy ngon miệng, nhưng câu chuyện chia sẻ với bạn bè khiến chị ngạc nhiên: nhiều người ái ngại vì không rõ nguồn gốc, sợ gà đông lạnh, mất vệ sinh. Thế là ý tưởng lóe lên: Tại sao không làm gà ủ muối hoa tiêu từ nguồn nguyên liệu sạch, rõ ràng ngay tại địa phương?.
Với tư duy tỉ mỉ và tinh thần cầu thị, chị Nhuần mày mò từng công đoạn, từ lựa gà nuôi 5–6 tháng tuổi, ướp 11 loại gia vị, rang tiêu ủ trong bụng gà, đến việc sử dụng quả rành rành thay nghệ để tạo màu vàng đẹp mắt mà vẫn giữ hương vị tự nhiên. Mỗi mẻ gà là cả một quy trình cẩn trọng, kỹ lưỡng.
"Không dừng lại ở sản xuất, tôi đã mạnh dạn học cách bán hàng online, chụp ảnh sản phẩm đẹp mắt, viết nội dung hấp dẫn trên Facebook, Zalo. Sau này, nhờ sự hướng dẫn từ Hội Phụ nữ và các đơn vị hỗ trợ thương mại điện tử, sản phẩm của tôi hiện đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử và tiếp cận được khách hàng ở nhiều tỉnh thành" - chị Nhần chia sẻ.
![]() |
Chị H’Tó đã tạo nên dòng rượu cần mang thương hiệu Jrai đậm đà bản sắc |
Câu chuyện của chị Nhuần không phải là cá biệt. Cách không xa thị xã Ayun Pa, ở buôn Phu Ma Miơng (xã Ia Rtô), chị Nay H’Tó – người phụ nữ Jrai – cũng từng ngày lặng lẽ đưa hương rượu cần truyền thống lên môi trường số.
Tận dụng nguồn lúa, men lá truyền thống và bí quyết gia truyền, chị H’Tó đã tạo nên dòng rượu cần mang thương hiệu Jrai đậm đà bản sắc. Nhận thấy rượu cần thường chỉ được tiêu thụ vào dịp lễ hội, chị nghĩ cách đóng chai, giới thiệu sản phẩm qua mạng xã hội, rồi đăng ký bán trên sàn thương mại điện tử. Nhờ vậy, sản phẩm của chị không chỉ có mặt ở Gia Lai mà còn theo chân du khách ra tận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong nước.
Cơ hội, thách thức và khát vọng bền bỉ
Với mong muốn nâng cao giá trị của cây chuối mốc, chị Phạm Thị Bình (làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã cho ra đời dòng sản phẩm bột chuối xanh mang thương hiệu Nam Phúc.
Sau khi tìm hiểu kỹ thuật, đầu năm 2024, chị Bình bắt tay vào chế biến chuối mốc xanh thành dạng bột. Chị đến từng thôn, làng thu mua quả chuối mốc xanh với giá 3-6 ngàn đồng/kg. Chuối xanh sau khi vệ sinh làm sạch được tước nhẹ lớp vỏ ngoài giúp giữ tối đa chất xơ và dinh dưỡng rồi cắt lát, đem sấy khô, nghiền thành bột.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tháng 3/2024, chị Bình hoàn thiện sản phẩm cũng như nhãn mác, bao bì và đưa ra thị trường. Chị mạnh dạn ứng dụng hình thức thương mại điện tử để giới thiệu và chào bán sản phẩm bột chuối xanh trên các nền tảng mạng xã hội, kể cả livestream bán hàng...
![]() |
Chị Phạm Thị Bình chào bán sản phẩm bột chuối xanh trên các nền tảng mạng xã hội và livestream bán hàng |
Ban đầu, khách hàng là những người thân quen. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, sản phẩm tinh bột chuối xanh của chị dần được nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng. Các đơn đặt hàng ngày một tăng, không chỉ trong tỉnh mà còn mở rộng ra các thị trường khác như: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Chuyển đổi số không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh, mà còn là đòn bẩy giúp phụ nữ nông thôn tự chủ hơn về kinh tế, khẳng định vị thế trong gia đình và xã hội. Từ người nội trợ truyền thống, họ từng bước trở thành người làm chủ sản phẩm, thương hiệu, và thị trường.
Tuy nhiên, hành trình ấy vẫn còn không ít trở ngại. Không ít phụ nữ lớn tuổi chưa quen sử dụng điện thoại thông minh, không biết cách cài app, livestream hay xử lý đơn hàng. Một số nơi, mạng internet vẫn chập chờn, thiếu ổn định; chi phí vận chuyển từ vùng sâu ra thành thị cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh sản phẩm.
Đó là lý do vì sao nhiều mô hình như “Tổ phụ nữ chuyển đổi số”, “Tổ truyền thông cộng đồng”, hay “Tổ phụ nữ khởi nghiệp” cần được nhân rộng. Những tổ nhóm này không chỉ hỗ trợ kỹ thuật, mà còn tạo ra không gian để chị em học hỏi, chia sẻ và động viên nhau cùng tiến bước.
Chị Nhuần hay chị Nay H’Tó là một trong hàng nghìn phụ nữ nông thôn đã và đang thay đổi tư duy, vượt khỏi giới hạn truyền thống nhờ vào chuyển đổi số. Dưới sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, hành trình từ làng quê đến sàn thương mại điện tử – tưởng như xa vời – đang trở thành hiện thực, từng bước mở ra một hướng đi mới cho kinh tế nông thôn.
Bà Phạm Thị Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai - thông tin: Trong năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập 65 mô hình “Tổ phụ nữ ứng dụng công nghệ 4.0”, “Phụ nữ chuyển đổi số” với 1.553 thành viên. Các cấp Hội thành lập và duy trì hơn 1.366 nhóm Zalo, 486 nhóm Facebook, hàng chục nhóm TikTok, trang YouTube giúp hội viên phụ nữ tiếp cận thông tin hoạt động và các phong trào Hội nhanh chóng, kịp thời. Nhiều hội viên ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh, quảng bá sản phẩm, từ đó góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Gia Lai) - chia sẻ: "Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đang được triển khai một cách thực chất, bài bản và có chiều sâu. Tại hầu hết các hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh, Trung tâm luôn dành một khu vực riêng để hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử "ocopgialai.vn. Đồng thời, kết nối với các sàn thương mại điện tử khác hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tạo gian hàng, hướng dẫn quy trình, kỹ năng kinh doanh trên sàn". |