Hơn 400 người dân sống ở các khu vực tiềm ẩn nguy hiểm tại huyện Đông Anh đã được di dời đến nơi an toàn. Ảnh: N.V.H |
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết: “Tính đến sáng nay (11/9), 100% số hộ tại các nhà tạm, không an toàn được di dời đến nơi an toàn, cụ thể là 231 hộ với 446 người đã được di dời đến nơi an toàn, được cung cấp miễn phí nhu yếu phẩm thiết yếu. Toàn bộ các hộ gia đình, cá nhân đã di chuyển về nơi cư trú ổn định, không quay lại sinh sống tại các địa điểm tạm.
Trước đó, thực hiện các chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo của T.Ư, Chính phủ, Thành ủy - UBND TP Hà Nội và Huyện ủy Đông Anh về phòng, chống, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, UBND huyện đã ban hành văn bản để tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với bão số 3.
UBND huyện đã tập trung các xã khẩn trương thực hiện ngay một số nhiệm vụ phòng, chống bão số 3 trước khi bão ảnh hưởng tới địa bàn như: rà soát các phương án đảm bảo 4 tại chỗ; tổ chức cắt, tỉa, chằng chống cây xanh; di chuyển, thu dọn tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn; khơi thông hệ thống cống, rãnh để đảm bảo tiêu thoát nước; thu gọn hệ thống biển hiệu, banner quảng cáo, tuyên truyền…
Theo báo cáo của UBND huyện Đông Anh, cũng như nhiều địa phương khác, bão số 3 đã gây ra những thiệt hại đáng kể về tài sản cho bà con. Cụ thể, huyện có 479ha lúa bị đổ; 140,7ha cây rau màu và 136,7ha cây ă quả bị ảnh hưởng; 126 lán xưởng, nhà, công trình bị tốc mái, đổ tường rào, trong đó có 37 trường học bị ảnh hưởng cơ sở vật chất... Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, huyện Đông Anh không có thiệt hại về người, có 2 người bị thương nhưng đã điều trị kịp thời và sức khỏe đã ổn định trở lại.
Cũng theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Đông Anh, sau khi bão số 3 đi qua, Huyện ủy - UBND huyện đã tập trung công tác khắc phục hậu quả; đồng thời chỉ đạo quyết liệt các xã, thị trấn tiếp tục các biện pháp ứng phó với tình hình mưa bão. Từ sáng hôm qua (10/9) huyện đã tổ chức lực lượng xung kích với 290 người, tham gia gia cố, đắp thêm 240m đê xung yếu, chiều cao tăng so với mặt đê cũ là 0,7m.
“Thực hiện Công điện số 13/2024/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lãnh đạo UBND huyện Đông Anh tiếp tục chỉ đạo các xã ven sông chủ động các phương án, kịch bản chi tiết di dời con người và tài sản, ứng phó với mực nước các sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ dâng cao. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và làm việc trực tiếp với các xã ven đê, các tiểu khu để chỉ đạo, xây dựng phương án nhằm kịp thời ứng phó với tình hình mưa lũ” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết thêm.