• :
  • :

Dấu ấn kinh tế Trà Vinh, Vĩnh Long thời sáp nhập tỉnh

(11/04/2025)

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp 66%, giá trị xuất khẩu đạt 4,2 triệu USD... là những dấu ấn kinh tế nổi bật của tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long thời còn sáp nhập.

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, đất nước ta bước vào giai đoạn tái thiết, dẫn đến việc tổ chức hành chính cũng được điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Trong bối cảnh đó, vào ngày 20/12/1975, hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh đã được hợp nhất thành tỉnh Cửu Long, theo Quyết định số 349-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Ban Chỉ huy Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ I. Ảnh: Báo Vĩnh Long
Ban Chỉ huy Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ I. Ảnh: Báo Vĩnh Long

Ngay sau khi thành lập, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Cửu Long xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong đó công nghiệp và thương mại đóng vai trò then chốt. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I (nhiệm kỳ 1976-1980) đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp, tạo ra hàng tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và tạo ra sản phẩm xuất khẩu.

Công nghiệp khởi sắc từ con số khiêm tốn

Trong giai đoạn đầu sau ngày giải phóng, công nghiệp của tỉnh chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ như lò gạch, xưởng xay xát, xưởng sản xuất đường, nước đá và các cơ sở sửa chữa cơ khí. Tuy nhiên, với sự đầu tư và chỉ đạo sát sao của tỉnh, đến năm 1985, toàn tỉnh đã có 54 cơ sở công nghiệp quốc doanh và hơn 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với tổng số lao động đạt 21.500 người, tăng 5,4 lần so với năm 1976.

Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 10 năm dao động từ 7,84% đến 66,35% tùy từng năm. Giai đoạn 1976-1980, tốc độ tăng bình quân là 14,12%; bước sang giai đoạn 1981-1985, con số này tăng lên 23,33%. Đến năm 1985, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã tăng gấp 7,8 lần so với năm 1976. Kinh tế tập thể chiếm khoảng 36% tổng sản lượng toàn ngành.

Trong cơ cấu ngành công nghiệp, chế biến lương thực - thực phẩm là ngành phát triển mạnh nhất, chiếm 58,76% tổng giá trị toàn ngành. Ngành vật liệu xây dựng chiếm 16,68%, sửa chữa cơ khí chiếm 15,11%, các ngành khác như dược phẩm, dầu thực vật, hàng thủ công mỹ nghệ chiếm tỷ trọng nhỏ hơn nhưng vẫn có bước tiến đáng kể.

Đáng chú ý, công nghiệp dược phẩm tăng trưởng nhanh, đến năm 1985 sản lượng tăng gấp 36 lần so với năm 1976. Sản lượng ngành chế biến đường đến năm 1984 cũng tăng 8,6 lần so với năm 1977, trong khi ngành sản xuất vật liệu xây dựng tăng hơn 10 lần trong cùng kỳ. Sản lượng dầu dừa - một ngành đặc trưng của khu vực - cũng tăng 6,6 lần, đạt gần 1.800 tấn, đủ để phục vụ sản xuất trong nước và sẵn sàng cho xuất khẩu.

Từ nội thương đến xuất khẩu

Song song với đà phát triển công nghiệp, lĩnh vực thương mại của tỉnh cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Cuối năm 1975, hệ thống tổ chức thương nghiệp tại tỉnh đã được tái lập với sự ra đời của Ty Thương nghiệp cùng 3 công ty trực thuộc. Nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn đầu là tổ chức phân phối hàng nhu yếu phẩm cho công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang.

Đến năm 1977, mạng lưới thương nghiệp bắt đầu mở rộng, hoạt động bán lẻ và thu mua ủy thác cho các doanh nghiệp quốc doanh được đẩy mạnh. Năm 1978, tất cả các xã, phường trong tỉnh đều đã thành lập hợp tác xã mua bán.

Năm 1980, cấp tỉnh có 5 công ty thương nghiệp, mỗi huyện đều có công ty riêng, và mạng lưới quầy hàng được tổ chức đến tận khóm, ấp với mật độ trung bình 2,2 quầy/10.000 dân. Đến năm 1985, số lao động trong ngành thương nghiệp tăng gấp 5 lần so với năm 1976. Trung bình mỗi 10.000 dân có 35 lao động trong lĩnh vực thương mại, được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau.

Ngoài lĩnh vực nội thương, tỉnh Cửu Long cũng sớm chú trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Năm 1976, Công ty Liên kết xuất nhập khẩu tỉnh Cửu Long được thành lập, với mạng lưới hoạt động tại các huyện và thị xã.

Đến các năm 1983-1984, công ty đã bắt đầu thực hiện hoạt động buôn bán trực tiếp với một số quốc gia và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Giá trị hàng xuất khẩu năm 1985 tăng 3,4 lần so với năm 1981, từ 1.264 triệu USD lên 4.247 triệu USD (quy đổi theo tỷ giá Rúp thời kỳ đó).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong giai đoạn này gồm lương thực thực phẩm, thủy hải sản, rau quả, gia vị, dược liệu và hàng thủ công mỹ nghệ.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm tỉnh Cửu Long vào năm 1985. Ảnh: Báo Vĩnh Long
Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm tỉnh Cửu Long vào năm 1985. Ảnh: Báo Vĩnh Long

Năm 1984, riêng nhóm hàng nông sản chiếm đến 77% tổng kim ngạch xuất khẩu, với các thị trường xuất khẩu chính là Liên Xô và các nước Đông Âu. Dù giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn so với toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chỉ chiếm khoảng 10,38%), nhưng đó là những tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.

Ngày 26/12/1991, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết giải thể tỉnh Cửu Long, tái lập hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Khi tách ra, tỉnh Trà Vinh bao gồm thị xã Trà Vinh và 7 huyện là Càng Long, Cầu Kè, Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Tiểu Cần và Trà Cú. Về phần tỉnh Vĩnh Long, sau khi tách ra, tỉnh gồm thị xã Vĩnh Long và 5 huyện: Long Hồ, Vũng Liêm, Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn.
 
Tác giả: Phú Quý