Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với điểm nhấn là công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo đang mở ra nhiều triển vọng cho các doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh.
Đơn cử, Công ty Cổ phần Gạch ngói Đất Việt thuộc tổ hợp Gốm Đất Việt được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ vào năm 2017 và đến nay vẫn đang là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên và duy nhất của ngành công nghiệp đất sét nung Việt Nam.
Những sản phẩm của công ty bán ra thị trường đều được ứng dụng công nghệ mới như: Nghiền khô siêu mịn; thay đổi bài phối liệu quy trình sấy nung giảm trọng lượng sản phẩm; ngói siêu mỏng… Trong đó, công nghệ nghiền khô siêu mịn của Gốm Đất Việt thuộc diện tiên tiến hiện đại bậc nhất ngành sản xuất gạch ngói đất sét nung của thế giới được ứng dụng tại Việt Nam.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt. Ảnh: Linh Giang |
Điển hình trong thành công nhờ ứng dụng khoa học công nghệ có thể kể đến các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP. Cẩm Phả). Từ năm 2020, với sự quan tâm hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh và sự chủ động đầu tư lớn với tổng vốn hàng chục tỷ đồng, đơn vị đã cải tạo, xây mới hệ thống nhà máy chuẩn GMP, phòng R&D, phòng Lab - kiểm nghiệm, nhà sấy quy mô lớn… nhằm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất.
Đến nay, các sản phẩm của công ty như: Trà giảo cổ lam, trà bổ gan, trà giải độc gan, trà diệp hạ châu, viên tiểu đường, viên chè vằng... trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu được xếp hạng 4 sao của tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã.
Trong khi đó, Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh cũng là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và sản xuất kinh doanh giống thủy sản. Kể từ mẻ tôm giống đầu tiên đưa ra thị trường vào tháng 3/2019 đến nay, công ty đã không ngừng cải tiến quy trình công nghệ, áp dụng hiệu quả hệ thống trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tiêu biểu như ứng dụng công nghệ sản xuất tảo, vi sinh làm thức ăn cho ấu trùng; hệ thống lắng, xử lý nước tuần hoàn, hệ thống lọc bằng tia UV; công nghệ chọn lọc tôm bố mẹ. Đặc biệt, phòng xét nghiệm Real-time PCR của Việt - Úc Quảng Ninh có năng lực xét nghiệm 9 loại bệnh trên tôm theo tiêu chuẩn quốc tế…
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, khoa học và công nghệ được coi là yếu tố then chốt để tạo sức bật cho nền kinh tế, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh luôn dành nhiều sự quan tâm và đầu tư nguồn lực cho phát triển khoa học và công nghệ.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời cũng thúc đẩy thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong nền kinh tế. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Trên cơ sở đó, Quảng Ninh đã đặt ra nhiều giải pháp căn cơ và dài hơi, đó là tập trung mọi nguồn lực cho khoa học và công nghệ, nhất là trong một số lĩnh vực về dịch vụ cảng biển, du lịch, chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Cùng với đó là ưu tiên phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phát triển các trung tâm khám phá, khu trình diễn, giới thiệu, thực nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.
Tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân, doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ, đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến của thế giới, đặc biệt là công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ lõi.