Phòng dịch tả lợn châu Phi từ ý thức người dân

Mấy tháng gần đây, quanh khu vực gia đình anh Hoàng Văn Bắc ở xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong sinh sống bị dịch tả lợn châu Phi, có hộ phải tiêu hủy cả đàn lợn. Với nhiều hộ đây là tài sản lớn nhất của gia đình. Ổ dịch gần nhất cách nhà anh 50m, nhưng đàn lợn 34 con của gia đình anh Bắc vẫn bình an vô sự. Anh Bắc cho biết: "Bảo bối” của tôi là tiêm phòng bệnh và thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại. Khi thấy có dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tôi lên mạng tìm hiểu, tham khảo thông tin qua cán bộ thú y và nhiều người chăn nuôi về vắc xin tiêm phòng.

Nhờ chủ động tiêm phòng, thường xuyên khử trùng tiêu độc chuồng trại, đàn lợn của gia đình anh Hoàng Văn Bắc, xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) không bị mắc dịch bệnh.
Từ các kênh anh biết vắc xin dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE có lượng kháng thể cao, tỷ lệ phòng dịch đạt 93%. Nắm rõ thông tin, anh đặt mua vắc xin tiêm cho đàn lợn. Cán bộ thú y khuyến cáo, nếu thấy đàn lợn có hiện tượng ốm thì không nên tiêm vì lợn đã bị nhiễm bệnh. Sau khi tiêm đàn lợn vẫn khỏe mạnh. Anh Bắc cho biết thêm: Năm ngoái đàn lợn của gia đình đang độ lớn thì xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù chưa mắc dịch bệnh nhưng tôi vẫn quyết định bán cả đàn phòng rủi ro. Năm nay có vắc xin tiêm phòng nên tôi yên tâm hơn.
 
Thấy trên địa bàn xã, huyện xuất hiện dịch bệnh, gia đình ông Hùng ở xóm Tráng, xã Bình Thanh đặt mua vắc xin dịch tả lợn châu Phi về tiêm. Ông Hùng cho biết: Gia đình tôi chỉ có 2 vợ chồng, không có ruộng mà chỉ có ít đất đồi trồng luồng. Giờ tuổi cao nên không thể làm vườn, làm đồi. Kinh tế gia đình trông chờ vào đàn lợn và nấu rượu lấy phụ phẩm chăn nuôi. Biết có dịch nên tôi tìm hiểu và đặt mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn lợn 20 con; ngoài tiêm vắc xin, tôi thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại. Nếu đàn lợn bị dịch thì gia đình tôi không biết dựa vào đâu.
 
Đồng chí Đinh Văn Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: Đàn lợn của xã hiện có trên 2.000 con, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình nên xảy ra dịch rất khó kiểm soát. Ngày 20/6 vừa qua, khi có thông tin về dịch bệnh, UBND xã thành lập Ban chỉ đạo, đoàn kiểm tra, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên, báo cáo UBND huyện, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, thành lập đội phản ứng nhanh, thực hiện việc cách ly đàn những gia đình có lợn bị dịch. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch như khử trùng chuồng trại và tiêm phòng cho vật nuôi. Xã có 3 xóm là Mỗ, Giang, Lòn bị dịch tả lợn châu Phi với 11 hộ có lợn bị bệnh, phải tiêu hủy 35 con. Tuy nhiên, công tác phòng dịch của xã gặp nhiều khó khăn do một số người dân vẫn lơ là, chủ quan, chưa thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ 1 - 2 con nên không quan tâm đến việc phòng dịch. Mặt khác, do giá vắc xin cao nên các hộ chưa mặn mà với việc tiêm phòng.
 
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Khi phát hiện dịch bệnh, ngành nông nghiệp đã phối hợp các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo dập dịch với hình thức vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Đồng thời tuyên truyền đến người chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng dịch. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh cơ bản không chế được dịch tả lợn châu Phi. Qua kiểm tra nhiều điểm dịch cho thấy, những hộ chăn nuôi có ý thức phòng dịch tốt, đầu tư tiêm phòng thì không xảy ra dịch bệnh. Với những người nuôi ít, chủ quan vẫn sử dụng thịt lợn trong vùng dịch, khi lợn bị chết vì dịch cố tình bán thì dịch rất dễ xảy ra.
 
 
Việt Lâm
Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/191757/Phong-dich-ta-lon-chau-Phi-tu-y-thuc-nguoi-dan.htm
  • :
  • :