Xử lý nghiêm hành vi vi phạm công trình thủy lợi, đê điều

Trước tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng do ý thức tự giác của người dân chưa cao, các vi phạm chưa được giải quyết dứt điểm; công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương... UBND tỉnh đã có chỉ đạo tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.

Theo số liệu thống kê toàn tỉnh có 153 hồ chứa nước, 193 đập dâng, 299 trạm bơm, chiều dài kênh mương nội đồng khoảng 2.325km (trong đó đầu tư nâng cấp kiên cố hóa được trên 1.400km); có 68/153 hồ chứa, 148/193 đập dâng thủy lợi đã có thông số cơ bản và được UBND tỉnh ban hành quyết định phân loại công trình. Về tình hình vi phạm hành lang bảo vệ CTTL, toàn tỉnh có 546 vụ vi phạm/52 công trình (trong đó 496 vụ vi phạm đã được lập biên bản).
 
Các trường hợp vi phạm này chủ yếu là vi phạm trước đây với quy mô nhỏ, không gây ảnh hưởng đến an toàn công trình. Cụ thể: Công ty TNHH MTV khai thác CTTL được giao quản lý 29 công trình có 522 vụ vi phạm (trong đó 494 vụ vi phạm đã được lập biên bản). Các CTTL do cấp huyện quản lý: Huyện Quảng Ninh có 2 vụ vi phạm tại 2 công trình (1 vụ vi phạm đã được lập biên bản xử lý vi phạm hành chính); TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch mỗi địa phương có 1 vụ vi phạm; huyện Quảng Trạch có 2 vụ vi phạm tại 1 công trình và đã được lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 1 vụ.
 
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trên cơ sở tổng hợp các trường hợp vi phạm và theo dõi quá trình xử lý ở các địa phương, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ CTTL vẫn diễn ra và việc xử lý, giải quyết chưa hiệu quả là do: Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ CTTL chưa cao, hình thức xử phạt vi phạm chưa được áp dụng một cách nghiêm túc; việc xử phạt hành chính hoặc cưỡng chế, giải tỏa di dời thuộc thẩm quyền của địa phương, nhưng chính quyền của một số nơi chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, xử phạt theo đúng quy định của pháp luật (hầu hết các vụ việc xử lý vi phạm chỉ ở mức nhắc nhở vận động người vi phạm tự khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu cho công trình).

Một trường hợp vi phạm về phạm vi bảo vệ CTTL trên địa bàn huyện Quảng Trạch.

Những vi phạm đến nay vẫn tồn đọng, chưa xử lý dứt điểm được là do nhiều công trình xây dựng trước đây không được cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận CTTL đầy đủ nên gây khó khăn trong công tác quản lý, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm.
 
Ngoài ra, một số CTTL chưa có quyết định cấp đất, một số hành vi lấn chiếm đất đai vùng phụ cận là do các địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chồng lấn lên phạm vi bảo vệ công trình, hoặc cho phép sử dụng đất trước thời điểm quy định của Luật Đất đai nên rất khó xử lý. Việc giải tỏa vi phạm CTTL theo đúng quy định còn nhiều khó khăn do phải có chi phí đền bù, hỗ trợ di dời lớn, ngoài khả năng cân đối của các địa phương.
 
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ CTTL, bảo đảm chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn CTTL, đặc biệt trong mùa mưa, lũ năm 2024, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan và Công ty TNHH MTV khai thác CTTL tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm CTTL về hình thức, số lượng và mức độ ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ CTTL.
 
UBND tỉnh cũng giao Sở NN-PTNT đẩy mạnh phối hợp với cơ quan chức năng, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm CTTL; công khai tình hình, kết quả xử lý vi phạm CTTL trên phương tiện truyền thông; kịp thời biểu dương tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ an toàn CTTL; kiểm tra, đôn đốc việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ CTTL trên địa bàn; chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng, trình UBND cấp tỉnh ban hành quy chế phối hợp, xử lý vi phạm CTTL trên địa bàn. Trong đó, quy định cụ thể nội dung về quy trình xử lý, trách nhiệm xử lý của sở, ngành, UBND các cấp, đơn vị khai thác CTTL.
 
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp xã tổ chức thống kê, phân loại vi phạm phạm vi bảo vệ CTTL, làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ CTTL trên địa bàn theo quy định, đặc biệt là các vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn CTTL gây bức xúc trong dư luận.
 
Các đơn vị quản lý khai thác CTTL tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm, ngăn chặn, lập biên bản trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ CTTL; rà soát lập danh sách trường hợp vi phạm, kiến nghị, phối hợp ngay với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời...
 
Để bảo đảm an toàn CTTL, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024 UBND tỉnh đã có chỉ đạo: Các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm CTTL, đê điều theo quy định của pháp luật. 

Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác CTTL cho biết: Phần lớn các vụ vi phạm hành lang bảo vệ CTTL xảy ra từ rất lâu và trước thời điểm công ty được bàn giao quản lý một số CTTL. Hiện, khi phát hiện vi phạm, công ty chỉ có thể lập biên bản mà không có thẩm quyền xử lý. Trước thực tế này, công ty đã có kiến nghị với UBND tỉnh trong chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý các vi phạm về phạm vi bảo vệ CTTL. Đặc biệt có kiến nghị của công ty đã được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên-Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát việc cấp GCNQSDĐ trong lòng hồ và có hướng giải quyết, thu hồi GCNQSDĐ đã được cấp không đúng quy định, bàn giao lại diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ CTTL cho công ty quản lý.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, về lâu dài để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ CTTL, sở đã có đề xuất, kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ một phần kinh phí để các địa phương thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ CTTL; hướng dẫn phương án đền bù thu hồi đất, đối với các hộ dân đã được cấp GCNQSDĐ trong phạm vi bảo vệ công trình, nhằm hoàn trả lại phạm vi bảo vệ CTTL. Sở cũng đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện công tác cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ CTTL theo kế hoạch đề án nâng cao hiệu quả quản lý an toàn đã được UBND tỉnh phê duyệt...
 
Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá và xử lý việc thực hiện pháp luật về bảo vệ CTTL, đê điều trên địa bàn; kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ việc tồn đọng, các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi trong phạm vị bảo vệ CTTL và quản lý an toàn công trình...
Bùi Thành
Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202408/xu-ly-nghiem-hanh-vi-vi-pham-cong-trinh-thuy-loi-de-dieu-2219981/
  • :
  • :