CEO của Công ty cổ phần Công nghệ và Thương mại UFO (UFO Technology) - Phạm Ngọc Anh Tùng - chỉ vừa bước qua tuổi 32 nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp, anh là người có thâm niên đến hơn 10 năm. Thành công quan trọng của anh, website thương mại điện tử FoodMap.asia, cũng là website được biết đến như một sàn giao dịch trực tuyến đầu tiên chuyên cung cấp các sản phẩm liên quan đến nông sản an toàn tại Việt Nam.
Phạm Ngọc Anh Tùng bên giao diện sàn giao dịch Foodmap.asia |
Rời bỏ vị trí giám đốc…
Phạm Ngọc Anh Tùng từng là sinh viên của lớp kỹ sư tài năng khoa Điện - Điện tử trường Đại học Bách khoa TP.HCM, nhưng anh đã chọn lối rẽ khác khi quyết định nghỉ học từ năm 3 để đến với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trước khi thành lập FoodMap, Tùng là Giám đốc nông trại Cầu Đất Farm (Đà Lạt, Lâm Đồng) với kinh nghiệm khởi nghiệp 10 năm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việc tốt, lương cao, công việc phù hợp sở thích nhưng anh vẫn quyết định “gác lại” để về TP. HCM phát triển con đường riêng của mình: ứng dụng công nghệ số để phát triển thị trường cho nông sản Việt. FoodMap ra đời từ ý tưởng đó.
FoodMap được xây dựng theo phương châm “đưa sản phẩm nông sản từ trang trại thẳng tới bàn ăn”, bớt trung gian, để người nông dân và người tiêu dùng cùng được lợi nhất. Các sản phẩm được cung cấp trên sàn được kiểm định chất lượng và dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Qua 2 năm thành lập, sàn giao dịch nông sản này đã phát triển nhanh chóng với hơn 10.000 khách hàng trên toàn quốc, 300 đối tác (từ 40 tỉnh thành cả nước) cung cấp 2.000 sản phẩm nông nghiệp bán trên sàn. Tốc độ tăng trưởng của sàn FoodMap đạt bình quân 20% mỗi tháng.
Được đánh giá là start up khởi nghiệp xuất sắc trên lĩnh vực nông nghiệp thương mại điện tử, danh tiếng của FoodMap đã nhanh chóng lan tỏa và được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Năm 2018, FoodMap đạt giải nhất chương trình Leaders in Innovation Fellowships (“Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học”, chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh) của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh và quỹ Newton tổ chức tại London, Anh.
Năm 2019, FoodMap được bình chọn là Best Agri-tech Startup Việt Nam (doanh nghiệp khởi nghiệp tốt nhất Việt Nam trong lĩnh vực Nông nghiệp Công nghệ) do tổ chức Ricebowl (Malaysia) trao tặng. Năm này, FoodMap cũng đã vượt qua gần 600 đội từ các quốc gia khác để giành giải Most Impactful Innovation Asia (Sáng tạo có ảnh hưởng nhất khu vực châu Á) do Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia trao tặng tại Malaysia và gọi vốn thành công 500.000 đôla Mỹ từ quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker (Singapore).
Mới nhất, Dự án Nền tảng thương mại điện tử Nông sản FoodMap đã vượt qua hơn 300 ý tưởng khởi nghiệp để giành giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Startup Hunt 2020 với chủ đề “Chuyển đổi số nông nghiệp” Việt Nam.
Biến nguy cơ thành cơ hội
Ngay sau khi hợp tác thành công với Tiki và Lazada để đưa hàng nông sản giao dịch trên các cửa hàng trực tuyến của hai “ông lớn” trong ngành thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam, CEO Phạm Ngọc Anh Tùng đã kết nối hợp tác với Amazon để đưa hàng nông sản Việt ra thị trường toàn cầu. Trước mắt, FoodMap hướng đến 6 nhóm sản phẩm chính là trái cây, nhu yếu phẩm, đặc sản địa phương, hạt dinh dưỡng, trà - cà phê - ca cao, đồ dùng thân thiện với môi trường, những sản phẩm mà theo Tùng đánh giá là rất có tiềm năng để tham gia thị trường rộng lớn nhưng cũng rất khắt khe này.
Năm 2021 là năm có rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid, nhưng theo Tùng, tác động của dịch khiến thói quen mua sắm của số lượng người tiêu dùng chuyển từ offline sang online ngày càng tăng khiến các doanh nghiệp công nghệ, những doanh nghiệp đã được số hoá và quen với các nền tảng số có lợi thế. Không phải tự nhiên mà FoodMap nhanh chóng đàm phán và trở thành một trong những đối tác quan trọng đầu tiên của Tiki và Lazada trong mảng thực phẩm an toàn. Giai đoạn phòng chống Covid-19 những tháng đầu năm 2020, lượng khách của FoodMap trên online đã tăng gấp đôi!
Phạm Ngọc Anh Tùng trao đổi với một bạn trẻ về sản phẩm trong phiên chợ offline. |
Không ngừng đổi mới để tồn tại và phát triển, đầu tháng 11/2020, ngay sau khi vừa gọi vốn thành công nửa triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners (Singapore), Tùng triển khai xây dựng mô hình mới: cửa hàng nông sản trải nghiệm O2O2O (online to offline to online) tại TP.HCM. Mục tiêu của Tùng là hướng tới sự tiện lợi, dễ dàng cho khách hàng đồng thời tối ưu về chi phí triển khai cho doanh nghiệp.
Tùng cho biết: “FoodMap chọn mô hình 02020 lấy trọng tâm là nền tảng giao dịch online, sau đó xây dựng chuỗi offline để tăng định vị thương hiệu và xây dựng được niềm tin khách hàng thông qua sản phẩm thực tế được trưng bày tại các phiên chợ được mở định kỳ mỗi tháng 1 lần. Trước mắt, phiên chợ mở tại TP.HCM, nếu có điều kiện sẽ mở rộng ra cả nước. Khách hàng tới cửa hàng offline của FoodMap sẽ được hướng dẫn cài đặt ứng dụng và sau khi cảm thấy hài lòng với sản phẩm được cung cấp bởi FoodMap, họ có thể mua hàng thông qua ứng dụng để tiết kiệm chi phí, an toàn và tiện lợi”.
Với mục tiêu tăng trưởng 300% so với năm 2019, trong năm 2021 FoodMap sẽ tiếp tục tham gia các vòng gọi vốn để gia tăng nguồn vốn đầu tư phát triển doanh nghiệp; đồng thời ra mắt các dự án mới như hệ thống truy xuất nguồn gốc cho nhà cung cấp và phát triển kênh media chuyên về nông nghiệp, nhân rộng chương trình Những bước chân xanh nhằm hỗ trợ bà con nông dân vùng sâu vùng xa có kinh kế bền vững. Các dự án phục vụ cộng đồng cũng sẽ được thúc đẩy trong năm tới như đưa con chữ tới với trẻ em miền cao và đồng hành với dự án Cây hạnh phúc trồng 100.000 cây xanh trong 5 năm sẽ chính thức bắt đầu từ năm 2021.