Dữ liệu lớn - Nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số nông nghiệp

Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp cũng như trong các ngành khác, không phải là một việc làm ngắn hạn.

 

 

 

Thay đổi tư duy, đầu tư công nghệ…

Năm 2021 là năm quyết định khi Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các ngành, trong đó đặc biệt chú trọng ngành nông nghiệp. Nhìn lại thời gian qua, có thể thấy những thành tích nhất định mà chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam đã đạt được. Nhà nước đã thể hiện vai trò định hướng và đưa ra những quyết sách phù hợp thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp. Nhiều chương trình truyền thông, giáo dục, đào tạo và hội thảo được tổ chức rộng khắp cả nước, giúp người nông dân nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số nông nghiệp.

Về công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp, thực tế cho thấy Việt Nam đang đi theo các xu hướng khá rõ ràng. Một là triển khai cơ sở sản xuất nông sản thông minh thông qua số hóa, tự động hóa các quy trình trồng trọt. Hai là ứng dụng IoT để quan trắc và thu thập các dữ liệu liên quan tới canh tác và từ đó có các giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh. Thứ ba là ứng dụng trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn nhằm xử lý các bài toán của nông nghiệp (ví dụ như chụp hình nông sản và sử dụng trí thông minh nhân tạo nhận dạng hình ảnh dự báo và chẩn đoán bệnh cho rau). Thứ tư là công nghệ truy xuất nguồn gốc dùng để ghi nhận lưu trữ chia sẻ thông tin về toàn bộ quá trình canh tác nông sản. Thứ năm là ứng dụng công nghệ Drone - máy bay không người lái để thu thập dữ liệu thông tin cũng như chăm sóc nông sản trong quá trình canh tác. Thứ sáu là triển khai các hệ thống điện toán đám mây trong các hoạt động thu hoạch, sơ chế và phân phối nông sản tới tay người tiêu dùng và trên toàn hệ thống phân phối.

Nhưng thiếu big data

Ở đây, có một vấn đề vẫn tồn đọng và là thử thách lớn cho chuyển đổi số trong nông nghiệp, chính là sự thiếu vắng một nền tảng dữ liệu - điều cực kỳ quan trọng trong nền nông nghiệp số. Chuyển đổi số phải dựa trên các dữ liệu số từ các hoạt động truyền thống. Nguồn dữ liệu nông nghiệp càng nhiều, càng rộng, càng sâu sẽ càng tạo điều kiện cho các hoạt động kiến tạo giá trị gia tăng trên nền tảng số.

Tại cấp độ thứ nhất thụ động, thông qua dữ liệu lớn - Big data - về tình hình canh tác, người nông dân có thể quyết định gia tăng hoặc bớt giảm sản lượng nông nghiệp tránh tình trạng được mùa mất giá. Các nguồn dữ liệu trên chuỗi cung ứng cũng sẽ cho thấy những nơi chưa hiệu quả (như sơ chế sau thu hoạch ảnh hưởng đến chất lượng), từ đó cả bên nông trại và bên đơn vị thu mua sẽ cùng giải quyết.

Tại cấp độ thứ hai chủ động, các nguồn dữ liệu lớn sẽ cho người nông dân biết tình trạng dịch bệnh tại các vùng xung quanh đang diễn tiến như thế nào để từ đó có các biện pháp triển khai phòng ngừa sớm, nhằm ngăn chặn bệnh lây lan. Tương tự, các thông số về tình trạng xâm nhập nước biển và độ pH ở Đồng bằng sông Cửu Long tại các trạm quan sát sẽ giúp nông dân dự báo những khó khăn mà vụ lúa sắp canh tác sẽ gặp, từ đó dự trù các biện pháp đối phó.

Tại cấp độ cao nhất, trí thông minh nhân tạo sẽ căn cứ vào kho dữ liệu khổng lồ để đưa ra dự báo đáp số cho nông nghiệp. Ví dụ thông qua tình hình sâu bệnh trong quá khứ, các dự báo về thời tiết tương lai… hệ thống trí thông minh nhân tạo sẽ dự báo các đợt dịch bệnh trong tương lai.

Nền tảng dữ liệu chuyển đổi số nông nghiệp là một phần vô cùng quan trọng để đảm bảo chuyển đổi số nông nghiệp thành công. Thực hiện việc này phải do Chính phủ đầu tư nhằm kiến trúc một hệ thống dữ liệu số nông nghiệp chi tiết và thống nhất. Các doanh nghiệp cũng như cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ khai báo và cập nhật các dữ liệu của bản thân lên hệ thống. Nguyên tắc hoạt động của nền tảng dữ liệu chuyển đổi số là các cá nhân và công ty tham gia cập nhật sẽ nhận được các dịch vụ giá trị gia tăng từ dữ liệu lớn phục vụ cho hoạt động nông nghiệp của bản thân mình. Để triển khai nền tảng dữ liệu này, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng từ Nhà nước, còn cần các chương trình đào tạo hướng dẫn người nông dân cập nhật dữ liệu thông qua điện thoại di dộng và điện toán đám mây.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói riêng và các ngành khác nói chung cần phải dựa trên các trụ cột quan trọng dữ liệu - kết nối - cơ sở hạ tầng và con người để chuẩn bị gia tăng năng lực chuyển đổi số. Thiếu đi nền tảng dữ liệu hạ tầng nông nghiệp, chuyển đổi số nông nghiệp chắc chắn sẽ không đạt kỳ vọng và đi nhanh như Chính phủ mong muốn.

Dữ liệu nông nghiệp cần được ghi nhận và lưu trữ dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm các dữ liệu đầu vào của trang trại nông sản như giống, phân bón, hóa chất… cho đến dữ liệu đầu ra như thu hoạch, sơ chế, phân phối... Trong đó, dữ liệu quan trọng thứ nhất là dữ liệu trong quá trình canh tác, như quy trình canh tác và chăm sóc nông sản. Dữ liệu quan trọng thứ hai chính là thông tin về diện tích đất đai và tên chủ sở hữu đất hoặc nông trại, và thông tin có giá trị quan trọng hơn cả chính là thông tin về diện tích gieo trồng, loại cây canh tác và dự báo sản lượng 3-6 tháng và dài hơn. Dữ liệu quan trọng thứ ba là tình hình thời tiết cũng như các yếu tố môi trường ví dụ độ pH, độ ẩm… Dữ liệu quan trọng thứ tư chính là tình hình dịch bệnh.

 

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/nong-nghiep-cong-nghe-cao/202108/du-lieu-lon-nen-tang-quan-trong-trong-chuyen-doi-so-nong-nghiep-780733/
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :