Động lực mới cho kinh tế địa phương
Phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để giảm nghèo bền vững, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"; là cơ sở để "hợp tác" trở thành văn hóa, bản sắc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng vươn lên ở chính mỗi thành viên.
Ngay sau khi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới được ban hành, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao các đơn vị liên quan tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 22/CTr-TU thực hiện Nghị quyết trên.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 2/2/2023 của Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành tập trung triển khai các nội dung chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 của tỉnh theo các chương trình mục tiêu quốc gia và Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều sản phẩm của các Hợp tác xã OCOP liên kết tiêu thụ tại các Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Yên. Ảnh: Cao Quỳnh |
Hiện trên địa bàn tỉnh có 921 hợp tác xã đang hoạt động. Trong đó, riêng lĩnh vực nông nghiệp có 690 hợp tác xã, chiếm 74,945%. Tổng số thành viên tham gia hợp tác xã khoảng 58.000 thành viên, thu hút khoảng 73.388 lao động thường xuyên, số lao động là thành viên hợp tác xã khoảng 44.377 lao động.
Để giúp các hợp tác xã tăng cường sản xuất, kinh doanh tạo mối liên kết theo chuỗi giá trị, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, vốn, đến xúc tiến thương mại, đào tạo..
Với 6.000km2 mặt biển và 250km đường bờ biển, Quảng Ninh có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi biển. Người dân vùng ven biển Quảng Ninh quen nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, hằng năm tạo ra sản lượng thủy sản lớn. Xác định đời sống gắn với biển lâu dài, từ khá sớm, một số nông dân xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) đã kết nối, thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản Phất Cờ.
Trong quá trình sản xuất, thành viên hợp tác xã góp tư liệu sản xuất, là vùng diện tích mặt nước được giao để nuôi trồng thuỷ sản, góp vốn để nhập giống, thức ăn cho vật nuôi, góp ngày công lao động. Nhờ đó, hợp tác xã đạt hiệu quả cao trong sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống xã viên. Hợp tác xã hiện đạt hiệu quả cao về nuôi nhuyễn thể, cá biển, rong biển các loại.
Đây là hợp tác xã điển hình về việc sử dụng vật liệu nổi chuẩn HDPE trong nuôi trồng thuỷ sản trên biển, điển hình trong tổ chức nuôi trồng thuỷ sản kết kợp với du lịch. Nuôi trồng thuỷ sản gắn với du lịch của Phất Cờ ngày càng phù hợp với chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà tỉnh đã đề ra.
Ông Nguyễn Sĩ Bính - Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (huyện Vân Đồn) - kiểm tra sinh trưởng và phát triển của rong biển. Ảnh: Cao Quỳnh |
Thị xã Đông Triều hiện tập trung số lượng lớn các hợp tác xã. Ưu điểm của Đông Triều là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất đã được đầu tư đồng bộ, đặc biệt trình độ canh tác của nông dân được nâng cao, hình thành thói quen sản xuất theo chuỗi, hướng đến những nông sản địa phương có thế mạnh, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Dương triển khai các mô hình sản xuất ớt Hàn Quốc, ngô ngọt, nuôi cá, nuôi ếch, nuôi lươn trong bể bạt không bùn. Đây là mô hình hợp tác xã được Hội Nông dân thị xã Đông Triều đặt nhiều kỳ vọng bởi sự năng động của mỗi xã viên, đã chủ động, sáng tạo trong các mô hình sản xuất, nhất là tiếp cận và ứng dựng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Đồng hành cùng hợp tác xã
Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể, tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã phát triển.
Tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) về "Một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025".
Nghị quyết đề ra 7 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó, nổi bật như tiếp tục quan tâm nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đất đai và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng và triển khai một số chương trình, kế hoạch, đề án…
Đây tiếp tục là nguồn động lực quan trọng tiếp sức giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục hồi ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Bên cạnh việc tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại, trao đổi; mới đây vào tháng 6/2024, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đây là hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đầu tiên với đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình nhằm lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ những vướng mắc.
Nhờ đẩy mạnh hỗ trợ kinh tế tập thể của tỉnh, các địa phương và sự tự lực của các hợp tác xã, tổ hợp tác, thời gian qua, số hợp tác xã, tổ hợp tác làm ăn hiệu quả được duy trì và tăng lên. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp đạt 850 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng. Toàn tỉnh còn có 215 tổ hợp tác, 2 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, tổng hợp và 230 trang trại. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác đạt 550 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/năm; giá trị nông sản hàng hóa bình quân một trang trại đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, Quảng Ninh đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm được sản xuất bởi các hợp tác xã, tổ hợp tác của tỉnh.