Đồng chí có thể điểm lại một số kết quả nổi bật trong xây dựng NTM trên địa bàn thời gian qua?

|
Đồng chí Hoàng Sỹ Bích - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà |
Qua hơn 10 năm (2010-2020) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), Lâm Hà đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để đạt huyện NTM với những kết quả nổi bật. Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, kết cấu hạ tầng thiết yếu được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hệ thống chính trị được củng cố; an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các khu dân cư NTM ngày càng khởi sắc, tạo nên sức sống mới, diện mạo mới cho huyện Lâm Hà.
Năm 2019, huyện Lâm Hà đã có 14/14 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100%, có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Gia Lâm, Tân Hà), trong đó xã Gia Lâm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Việc triển khai, thực hiện thành công những chương trình, đề án, kế hoạch phát triển sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… trong xây dựng NTM, đã đem lại hiệu quả thiết thực. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn (14 xã) của huyện tăng qua từng năm: Năm 2010 đạt 19,71 triệu đồng/người/năm; năm 2015 đạt 30,4 triệu đồng; năm 2020 đạt 44,48 triệu đồng; năm 2021 đạt 48,6 triệu đồng, tăng 28,89 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 còn 1,61% (theo tiêu chí cũ), giảm 11,48% so với năm 2010. Đến năm 2021, Lâm Hà có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Đông Thanh, Tân Văn) và xã Tân Hà đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 4/14 xã, chiếm tỷ lệ 28,6%; 2/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm tỷ lệ 14,3%.
Đến cuối năm 2020, huyện đã thực hiện đạt và vượt các yêu cầu của 9/9 tiêu chí huyện NTM và được Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020 tại Quyết định số 812/QĐ-TTg ngày 12/7/2022. Trong hơn 10 năm qua, Lâm Hà đã huy động được 5.316,905 tỷ đồng để xây dựng NTM trên địa bàn. Trong đó, vốn huy động các nguồn lực từ Nhân dân là 599,199 tỷ đồng, chiếm 11,27 %.
 |
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thị sát Mô hình Chế biến nông sản trên địa bàn Lâm Hà |
Vậy những thuận lợi, khó khăn trong xây dựng NTM tại địa phương thời gian qua là gì thưa đồng chí?
Huyện Lâm Hà có điều kiện khí hậu, đất đai, con người, văn hóa phong phú và đa dạng. Đất có chất lượng khá tốt, khí hậu phù hợp cho phát triển cây cà phê, dâu tằm, chè, các loại rau, hoa nhiệt đới và các loại cây ăn quả đặc sản. Lâm Hà là nơi có nhiều dân tộc anh em sinh sống, là nơi quy tụ con người đến từ nhiều vùng, miền do đó tạo nên tính đa sắc tộc, đa sắc thái văn hóa, đa ngành, đa nghề. Vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội (nằm sát TP Đà Lạt, gần sân bay Liên Khương và Quốc lộ 20; Quốc lộ 27 chạy qua trung tâm huyện). Các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn đã đoàn kết, tích cực chung tay phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM trên địa bàn.
Từ khi triển khai Chương trình xây dựng NTM, huyện đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” do Thủ tướng Chính phủ phát động đã có tác động đến sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cao và động viên tinh thần của toàn xã hội đối với nông dân, nông thôn. Hệ thống thông tin tuyên truyền về NTM hoạt động phong phú, liên tục đã động viên rất tích cực, kịp thời đến Phong trào xây dựng NTM. Nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng NTM đã có chuyển biến rõ rệt. Dân chủ cơ sở được nâng cao, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt, qua đó đã phát huy được nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM.
Bên cạnh những thuận lợi thì Lâm Hà cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Lâm Hà là địa phương có địa bàn rộng, chia cắt, nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống và tỷ lệ người dân đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 20,3%. Trình độ dân trí phát triển không đồng đều, một số vùng còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nền kinh tế Lâm Hà chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thị trường và giá cả luôn có nhiều biến động. Một số khó khăn hạn chế khác như: một số người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM đôi lúc, đôi nơi còn hạn chế; trong giai đoạn đầu triển khai xây dựng NTM, một số địa phương còn lúng túng; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hạn chế, chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho Nhân dân; việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn do nhiều tiêu chí cần vốn đầu tư lớn; giá vật liệu xây dựng, nhân công tăng...
 |
Người dân Lâm Hà tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: T.T.Hiền |
Xin đồng chí cho biết những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai xây dựng NTM trên địa bàn thời gian qua?
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện Lâm Hà rút ra các bài học kinh nghiệm, trong đó, nhận thức và hành động của Nhân dân là yếu tố then chốt trong triển khai, thực hiện chương trình. Do đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, để Nhân dân thấy rõ vai trò chủ thể, trách nhiệm và quyền lợi của mình, cùng với Nhà nước chung sức xây dựng NTM. Cần phải phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là việc xây dựng các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch, phong trào thi đua phải rõ ràng, phù hợp, sát thực, gắn với quyền lợi của mỗi người dân. Cùng với đó, quan tâm phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong thực hiện mục tiêu NTM. Củng cố và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ sẽ tạo đà phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân ở nông thôn. Đổi mới tư duy sản xuất và tổ chức sản xuất nông nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp- hợp tác xã, tổ hợp tác - hộ dân. Mở rộng diện tích nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, gắn với nhu cầu và yêu cầu của thị trường để phát triển ổn định và bền vững. Đặc biệt là cần xây dựng các mô hình điểm, tiêu biểu, cách làm hay, nêu gương người tốt, việc tốt trong xây dựng NTM để tuyên truyền và nhân rộng.
Những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục xây dựng nâng cao các tiêu chí NTM tại địa phương thời gian tới là gì thưa đồng chí?
Thời gian tới, Lâm Hà tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các nghị quyết, đề án xây dựng NTM của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025. Lâm Hà cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2022-2025; thống nhất các định hướng, nhiệm vụ chỉ đạo để làm cơ sở cho UBND huyện và các ngành, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM cụ thể hàng năm. Tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch giữ vững và nâng cao tiêu chí xã NTM đã đạt, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, lũy kế có 10/14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 71,4%; 5/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 35,7%.
Để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ trên, huyện Lâm Hà cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các thành phần kinh tế và Nhân dân. Huy động nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế trong xây dựng NTM. Đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn. Lấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương. Qua đó, góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn, tạo thêm động lực mạnh mẽ cho xây dựng NTM bền vững…
Ngoài ra, Lâm Hà cũng tiếp tục phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của các cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM nhưng phải để người dân tự nguyện, tự giác; không để xảy ra tình trạng chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, nợ đọng, thực hiện đối phó hình thức; lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo kết quả đạt được…
Xin cảm ơn đồng chí!