Sinh ra trong gia đình có cha là liệt sĩ, mẹ là thương binh, bản thân từng là người lính, nên ông Chánh luôn tự nhủ bản thân phải không ngừng vượt khó để vươn lên, nỗ lực phát triển kinh tế. Nhiều năm làm nông nghiệp, gắn bó với cây lúa, ông Chánh nhận thấy cây lúa gieo trồng tại quê ông không thể giúp kinh tế gia đình khá lên được. Ngày nào cũng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhưng cũng chỉ đủ để ăn. Nhiều đêm ông Chánh nằm suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất của ông bà để lại.
|
Vườn cây ăn quả của gia đình ông Đào Quang Chánh, ở thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành). |
Biến suy nghĩ thành hành động, năm 2001, ông Chánh tận dụng đất đồi núi của gia đình, với diện tích gần 30ha để trồng keo. Sau 5 - 7 năm khai thác keo để bán, ông Chánh có thu nhập từ 500- 700 triệu đồng.
Năm 2013, ở xã Hành Tín Đông chưa có cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Người dân mỗi khi cần xăng dầu phải đi xuống trung tâm huyện để mua. Hơn nữa, xã Hành Tín Đông nằm trên trục đường có nhiều xe tải, ô tô lưu thông, nên rất thuận lợi cho việc kinh doanh xăng, dầu. Thấy vậy, ông Chánh bàn bạc với gia đình và vay vốn đầu tư kinh doanh xăng, dầu. Qua đó, mang lại thu nhập cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“Xã Hành Tín Đông tuy đất đai khô cằn, nhưng khi biết cách sản xuất, kinh doanh, thì những bất lợi lại trở thành cơ hội. Khi xác định được hướng kinh doanh có thể mang lại hiệu quả, tôi sẽ quyết tâm làm cho bằng được”, ông Chánh chia sẻ.
Không dừng lại với những mô hình kinh doanh sẵn có, năm 2018, ông Chánh đầu tư trồng 1.000 cây cau và hàng trăm cây ăn quả các loại. Đến nay, nhiều cây đã cho trái và đạt năng suất cao.
Nhờ tinh thần chịu khó tìm tòi, học hỏi và đam mê lao động, ông Chánh đã trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. "Với nghị lực của một người lính, dám nghĩ, dám làm, ông Chánh đã xây dựng được mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Không chỉ làm kinh tế mang lại thu nhập cho gia đình, mà ông còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Năm 2018, ông Chánh còn hỗ trợ 30 triệu đồng để Hội LHPN xã Hành Tín Đông triển khai mô hình vay vốn xoay vòng, giúp phụ nữ khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Tín Đông Lâm Thị Thúy Nga cho biết.