• :
  • :

Giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới

(03/11/2022)

Theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo bền vững huyện A Lưới, năm 2022 theo kế hoạch tỉnh giao giảm tỷ lệ hộ nghèo 7,54% tương đương 1.060 hộ nghèo, huyện phấn đấu giảm 10,18% tương đương 1.430 hộ nghèo. Đồng thời, yêu cầu các phòng, ban chức năng có kế hoạch và giải pháp cụ thể thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, phụ trách trong việc triển khai, thực hiện công tác giảm nghèo.

Mô hình trồng sâm Bố Chính ở A Lưới hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao

Sinh kế cho người dân

Hồng Bắc là xã biên giới nằm ở phía tây bắc huyện A Lưới với 418 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 71,09% (1.629 nhân khẩu) và 87 hộ cận nghèo, tỷ lệ 14,80% (334 nhân khẩu).

Thông qua dự án “Ngân hàng bò” của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hồng Bắc được hỗ trợ 10 con bò cho 10 hộ dân là đối tượng hộ nghèo trên địa bàn. Đến nay, các hộ dân được hỗ trợ nuôi đã phát triển đàn bò lên 20 con, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân. Ngoài được hỗ trợ bò, các hộ còn được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng, các kỹ năng về kỹ thuật chăn nuôi bò và công tác phòng dịch cho đàn bò trên địa bàn xã.

Bà Hồ Thị Thanh Nhàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Bắc đánh giá, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Chính quyền tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Phấn đấu đến cuối năm 2022, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 71,09% xuống còn 48,98% và đến năm 2025 còn 3,40%.

BCĐ giảm nghèo bền vững xã đã trình huyện phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 01 của Bộ Xây dựng với 155 hộ, trong đó có 68 hộ sửa chữa, 87 hộ xây mới. Xã được huyện phân bổ 16 nhà do Vietcombank hỗ trợ và 37 nhà theo quyết định của Thủ tướng chính phủ. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ bò sinh sản, gia cầm cho 38 hộ dân trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM đã chỉ đạo triển khai Chương trình xây dựng NTM một cách toàn diện, đồng bộ, tạo hiệu quả trong đầu tư, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường, công trình văn hóa. Tính đến nay, xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng NTM.

Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm thông tin, những năm qua, xã đã tập trung huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 49,5%, đến năm 2020 giảm xuống còn 22,47%, bình quân mỗi năm giảm 5,40%, đạt theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Kinh tế ngày càng đi lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo cùng với các chương trình MTQG được triển khai có hiệu quả, đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn.

Lồng ghép nguồn lực

Ông Huỳnh Công Quảng, Bí thư Huyện ủy A Lưới đánh giá, Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM là một trong hai chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong giai đoạn 2016 - 2020, chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt được những kết quả quan trọng.

Tỷ lệ hộ nghèo từ 35,04% năm 2016 giảm xuống còn 14,82% cuối năm 2020 (theo tiêu chí cũ). Năm 2021, qua điều tra, rà soát (theo chuẩn nghèo đa chiều) toàn huyện hiện còn 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%; 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55%.

Theo BCĐ giảm nghèo bền vững huyện A Lưới, trên cơ sở kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCĐ giảm nghèo bền vững huyện đã ban hành quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cho các xã, thị trấn giai đoạn 2022 - 2025. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%.

Với quan điểm chỉ đạo: “Xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ”. Căn cứ kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của huyện, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể đối với thôn, tổ dân phố, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu huyện giao.

Dựa trên phiếu thông tin rà soát, BCĐ các xã, thị trấn đã phân nhóm khảo sát và xây dựng phương án thoát nghèo cho từng hộ nghèo. Triển khai phân bổ, thẩm định 250 nhà ở cho hộ nghèo 17 xã, thị trấn, với tổng kinh phí dự tính 10 tỷ đồng, từ nguồn Vietcombank và lồng nghép với nguồn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

UBND huyện tập trung chỉ đạo lồng ghép và thực hiện có hiệu quả nguồn lực từ 3 Chương trình MTQG, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết đầu tư ở lĩnh vực phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, trồng cây mắc ca.

Đồng thời, đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào tiêu chí bình xét thi đua đối với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội toàn huyện và người đứng đầu. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện, định kỳ sơ kết để rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo bền vững.

Căn cứ kế hoạch tỉnh giao, BCĐ giảm nghèo bền vững huyện A Lưới đã xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ đầu năm 2022 là 49,98% tương đương với 7.022 hộ nghèo, giảm xuống dưới 12,01% tương đương với 1.784 hộ nghèo vào năm 2025. Đảng ủy các xã, thị trấn kiểm soát chặt chẽ số hộ nghèo, cận nghèo, số nhà tạm hộ nghèo trên địa bàn quản lý, không để phát sinh, nếu để phát sinh thì bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

Bài, ảnh: Hà Nguyên