• :
  • :

A Lưới có hơn 1.600 hộ thoát nghèo

(30/12/2022)

Ngày 30/12, Ban Chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo bền vững huyện A Lươi tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo bền vững năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Phan Ngọc Thọ dự và chỉ đạo hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Phan Ngọc Thọ  thăm mô hình trồng sâm bố chính ở A Lưới

Được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt được những kết quả quan trọng.
 
Tỷ lệ hộ nghèo từ 35,04% năm 2016 giảm xuống còn 14,82% cuối năm 2020 (theo tiêu chí cũ). Năm 2021, qua điều tra, rà soát (theo chuẩn nghèo đa chiều), toàn huyện hiện còn 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%; 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55%.

Năm 2022 tỉnh giao giảm tỷ lệ hộ nghèo 7,54%, tương đương 1.060 hộ nghèo; huyện phấn đấu giảm 10,18% tương đương 1.430 hộ nghèo; các xã, thị trấn phấn đấu giảm 10,78% tương đương với 1.512 hộ. Qua rà soát đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,78%, tương ứng 1.623 hộ, vượt 193 hộ so với kế hoạch đề ra, còn lại 5.399 hộ nghèo, chiếm 38,2%.

Trên cơ sở kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của BCĐ giảm nghèo tỉnh, BCĐ giảm nghèo bền vững, huyện đã ban hành Quyết định số 03-QĐ/BCĐ, ngày 8/6/2022 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cho các xã, thị trấn giai đoạn 2022 - 2025. Phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%.

Theo đánh giá chung của BCĐ giảm nghèo huyện A Lưới, việc quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của cấp trên được triển khai kịp thời. Đảng ủy các xã, thị trấn đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai, ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại vướng mắc, một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo; công tác tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện có việc còn lúng túng, chưa đồng bộ. Sự phối hợp giữa các phòng, ban, ngành của huyện có việc chưa nhịp nhàng, nhất là chủ động đề xuất các giải pháp giảm nghèo thuộc địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Hỗ trợ gia súc cho hộ nghèo ở A Lưới

Năm 2023, công tác giảm nghèo bền vững được BCĐ giảm nghèo huyện A Lưới đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó tập trung tạo việc làm, thu nhập và xóa nhà tạm để đẩy nhanh thoát nghèo năm 2023. Phân công cụ thể các ban, ngành, đoàn thể tham gia hỗ trợ các hộ thoát nghèo, cận nghèo đến từng địa chỉ, thành viên cụ thể.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, thay mặt lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả giảm nghèo bền vững mà huyện A Lưới đã đạt được trong năm 2022. Đồng thời, cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ trọng tâm 2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yều cầu trong thời gian tới tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện và người dân nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, kiên quyết không để tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền thông qua kênh trưởng tộc, trưởng bản, người uy tính. Tập trung 2 vấn đề chính để chỉ đạo đó là tạo việc làm, thu nhập và xóa nhà tạm, xóa nhà tạm phải làm công bằng, không cào bằng. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và Nhân dân địa phương trong thời gian tới.

Nhân dịp này, BCĐ giảm nghèo huyện A Lưới đã biểu dương khen thưởng 5 địa phương có thành tích xuất sắc về công tác giảm nghèo năm 2022.

Tin, ảnh: NGUYÊN ĐỊNH