Hiệu quả không cao
Năm 2024 do ảnh hưởng thời tiết bất lợi nên tôm nuôi nước lợ phát triển chậm, trong khi giá bán tôm thương phẩm thấp hơn các năm trước nên hiệu quả kinh tế không cao.
Ông Nguyễn Minh Chánh, người nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) cho biết: Năm 2024, gia đình tôi thả nuôi 3 hồ tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích gần 2ha. So với các năm trước, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi năm 2024 có giảm. Tuy nhiên, giá bán tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg khoảng 80.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 75.000 đồng/kg. Do giá tôm thương phẩm thấp nên cả ba vụ nuôi chỉ lãi khoảng 30 triệu đồng.
Theo Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2024 trên địa bàn khoảng 950ha, sản lượng tôm thu hoạch khoảng 5.220 tấn (năng suất bình quân 5,48 tấn/ha). Trên địa bàn thị xã có 45ha tôm nuôi bị bệnh, chủ yếu các bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, vi bào tử trùng (bệnh mới trên tôm nuôi). Địa phương đã hỗ trợ 4 tấn hóa chất sodium chlorite 20% xử lý kênh mương và 2,65 tấn hóa chất để xử lý các ao tôm nuôi bị bệnh.
“Nuôi tôm nước lợ năm 2024 trên địa bàn thị xã hiệu quả không cao. Bởi giá tôm thương phẩm xuống thấp, thấp hơn 30.000-40.000 đồng/kg so với các năm trước (tôm cỡ 100 con/kg giá từ 75.000-80.000 đồng/kg), trong khi chi phí đầu tư tăng cao nên nhiều cơ sở, hộ nuôi sản xuất cầm chừng. Ngoài ra, do ảnh hưởng các đợt nắng nóng, dịch bệnh đã xảy ra tại một số vùng nuôi”, ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng Kinh tế TX Đông Hòa cho hay.
Tại TX Sông Cầu, diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) ao đìa năm 2024 trên địa bàn khoảng 680ha. Trước khi bước vào vụ nuôi, địa phương đã triển khai lịch thời vụ, hướng dẫn kỹ thuật cũng như các phương án phòng, chống dịch bệnh đến từng địa phương, vùng nuôi. Ông Hồ Nam Yên, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết: Mặc dù thời tiết trong năm qua gây bất lợi cho NTTS, nhưng nhờ triển khai tốt các phương án nên dịch bệnh trên thủy sản nuôi ao đìa xảy ra không nhiều. Năm 2024, có 3,3ha cá mú nuôi tại xã Xuân Hải bị bệnh hoại tử thần kinh, vi khuẩn và ký sinh trùng; khoảng 1ha tôm sú nuôi bị bệnh đốm trắng.
Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) thông tin: Năm 2024, diện tích thả nuôi thủy sản ở Phú Yên khoảng 2.670ha, trong đó gần 2.160ha tôm nuôi (250ha tôm sú, 1.910ha tôm thẻ chân trắng), hơn 220ha nuôi cá, gần 290ha thủy sản khác. Tổng sản lượng thủy sản nuôi khoảng 18.690 tấn, trong đó 15.640 tấn tôm (250 tấn tôm sú, 13.130 tấn tôm thẻ, 2.260 tấn tôm hùm), 1.950 tấn cá các loại, 1.100 tấn thủy sản nuôi khác. Năm qua, có 56ha tôm nuôi nước lợ bị bệnh (36,5ha bệnh hoại tử gan tụy cấp, 1,5ha bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, 5ha bệnh vi bào tử trùng, 13ha bệnh đốm trắng) và 2ha cá bị bệnh hoại tử thần kinh.
Triển khai các giải pháp
Để mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nghề NTTS, nhất là nuôi tôm, TX Đông Hòa đang phát triển các vùng nuôi theo hướng đa loài, nuôi thưa, nuôi ghép, nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời sắp xếp ổn định vùng nuôi tôm trên cát, chuyển đổi một số vùng hạ lưu sông Bàn Thạch sang trồng cói, nuôi luân canh 1 vụ lúa 1 vụ tôm, phát triển một số đối tượng thủy đặc sản nước ngọt.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa đưa ra mục tiêu: Năm 2025, thị xã vẫn giữ ổn định diện tích NTTS trên địa bàn khoảng 955ha, sản lượng NTTS khoảng 6.625 tấn, trong đó sản lượng tôm nước lợ khoảng 5.060 tấn. Địa phương đang tập trung chỉ đạo lịch thời vụ thả nuôi, mật độ nuôi, kiểm tra và hướng dẫn cải tạo ao đìa, chăm sóc và phòng trị bệnh trên tôm nuôi đạt hiệu quả. Phối hợp cùng các cơ quan của tỉnh tăng cường kiểm tra, quản lý con giống, thức ăn và thuốc phòng trị bệnh tôm; kiểm tra cảnh báo môi trường và dịch bệnh.
Năm 2025, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương sắp xếp lại các vùng NTTS phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đề án được duyệt và quy hoạch sử dụng đất của các địa phương. Bên cạnh đó, nghiên cứu, áp dụng các công nghệ nuôi mới, giảm ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; duy trì sinh kế cho cộng đồng dân cư ven biển sống dựa vào NTTS. Phát triển đột phá NTTS công nghiệp vùng biển hở xa bờ khi hội đủ các điều kiện về kinh tế - kỹ thuật và cơ chế chính sách.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần xây dựng một số cơ chế, chính sách để phát triển thủy sản, trong đó có những chính sách phát triển NTTS trên biển như hỗ trợ một lần sau đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, bảo hiểm… Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến nuôi biển, nhất là nuôi biển công nghiệp vùng biển hở. Ngoài ra cần có chương trình, đề án đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nuôi biển công nghệ cao, nuôi biển xa bờ; hỗ trợ đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi biển; triển khai một số mô hình, dự án nuôi biển công nghiệp theo Đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Các bộ, ngành trung ương cần có hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp phép nuôi biển và giao khu vực biển cho NTTS, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và cơ quan quản lý địa phương triển khai thực hiện. Ngoài ra, xây dựng các chính sách hỗ trợ mô hình thí điểm, bảo hiểm nuôi biển; chính sách hỗ trợ chuyển đổi mô hình nuôi biển truyền thống sang nuôi biển công nghiệp, hỗ trợ đào tạo chuyên gia và nhân lực nuôi biển; xúc tiến đầu tư và thương mại phục vụ ngành nuôi biển các tỉnh”, ông Nguyễn Tri Phương nói.
Tỉnh khuyến khích tổ chức lại sản xuất NTTS theo hướng thâm canh, áp dụng công nghệ cao đối với các dự án NTTS lớn. Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn kỹ thuật theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tri Phương |
ANH NGỌC