• :
  • :

Khánh Hòa: Hỗ trợ người dân thí điểm nuôi biển công nghệ cao

(15/07/2025)

TTTĐ - Tại vùng nuôi Hòn Nội (phường Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) theo kế hoạch sẽ có 50 hộ dân được hỗ trợ để thí điểm nuôi biển công nghệ cao.

Mô hình nuôi cá chim bằng lồng nuôi HDPE của người dân ở vùng nuôi trồng thủy sản Hòn Nội (Ảnh: khanhhoa.gov)
Mô hình nuôi cá chim bằng lồng nuôi HDPE của người dân ở vùng nuôi trồng thủy sản Hòn Nội (Ảnh: khanhhoa.gov)

Ngày 14/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trịnh Minh Hoàng đã dẫn đầu đoàn kiểm tra thực tế tại các mô hình nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, trong đó khu vực Đầm Bấy, Hòn Nội (phường Nha Trang).

Đến thăm các vùng nuôi biển công nghệ cao tại Hòn Nội và Đầm Bấy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trịnh Minh Hoàng đã trò chuyện, trao đổi, nắm bắt về tình hình đầu tư nuôi biển của các hợp tác xã, hộ dân đang nuôi cá chim vây vàng bằng công nghệ lồng nuôi HDPE.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với người dân về việc chuyển đổi từ lồng nuôi bằng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi bằng vật liệu mới (Ảnh: khanhhoa.gov)
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với người dân về việc chuyển đổi từ lồng nuôi bằng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi bằng vật liệu mới (Ảnh: khanhhoa.gov)

Tại vùng nuôi Hòn Nội, theo kế hoạch sẽ có 50 hộ dân được hỗ trợ để thí điểm nuôi biển công nghệ cao.

Đến nay, đã có 26 hộ ở khu vực Cam Ranh và Cam Lâm đăng ký tham gia; 17 hộ hạ thủy hệ thống lồng nuôi; 14 hộ thả giống, với tổng cộng 490.000 con giống cá chim vây vàng.

Còn tại vùng nuôi Đầm Bấy, có 5 hộ đăng ký tham gia nuôi biển công nghệ cao, toàn bộ các hộ đều đã hạ thủy hệ thống lồng nuôi; có 3 hộ đã thả cá giống, với tổng cộng 65.000 con cá chim vây vàng.

Hiện nay, cá nuôi ở 2 vùng nuôi này đều sinh trưởng, phát triển tốt. Các hộ dân tham gia triển khai nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao nói trên đã được hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn kinh phí của Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup).

Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cùng các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi lồng bè nuôi biển bằng vật liệu truyền thống sang lồng bè nuôi biển bằng vật liệu mới.

Khánh Hòa sẽ hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi lồng bè nuôi biển bằng vật liệu truyền thống sang lồng bè nuôi biển bằng vật liệu mới (Ảnh; khanhhoa.gov)
Khánh Hòa sẽ hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi lồng bè nuôi biển bằng vật liệu truyền thống sang lồng bè nuôi biển bằng vật liệu mới (Ảnh; khanhhoa.gov)

Đồng thời, mở rộng khu vực nuôi biển theo mô hình mới đồng bộ tại các vùng, vịnh trên địa bàn tỉnh (ven bờ - xa bờ - ngoài khơi xa) gắn với phát huy đa dạng sinh học tại từng vùng nuôi và đảm bảo vệ sinh môi trường nuôi, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển (hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi, hệ thống neo lồng bè); phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu công nghệ ươm tạo con giống, thức ăn cho vật nuôi, trang thiết bị nuôi, quy trình nuôi phù hợp với tình hình thực tiễn và chuyển giao các công nghệ này cho người dân biết, ứng dụng rộng rãi...

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, sản lượng thủy sản nuôi trồng của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 12.900 tấn, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, phần lớn vẫn đến từ mô hình nuôi ven bờ, sử dụng lồng gỗ truyền thống. Việc đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ cao tại vùng biển xa bờ được xem là giải pháp tất yếu để phát triển nghề nuôi biển an toàn, bền vững và hiệu quả hơn.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi lồng nuôi, trình HĐND tỉnh phê duyệt chính sách bảo hiểm cho người lao động trên biển, đồng thời ban hành bộ tiêu chí phân loại lồng công nghệ cao, làm cơ sở nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn.

Hồng Quảng