• :
  • :

Chủ động phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn heo

(02/08/2023)

Hiện nay, dịch tả heo châu Phi xảy ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ngành Thú y, người chăn nuôi đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp ngăn ngừa, không để dịch bệnh nguy hiểm này lây nhiễm vào đàn vật nuôi của tỉnh.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra tình hình dịch bệnh tại một trại heo giống ở huyện Phú Hòa. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

 

Kiểm soát tốt dịch bệnh

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện đàn heo của tỉnh có khoảng 153.700 con. Điều đáng mừng là chăn nuôi tiếp tục phát triển tại các vùng chăn nuôi tập trung đã được tỉnh phê duyệt và phát triển theo hướng hiện đại, gắn với công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối với chuỗi giá trị. Đặc biệt, suốt 7 tháng qua, tình hình dịch bệnh ở vật nuôi được kiểm soát tốt, các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, heo tai xanh... không xảy ra, nhờ vậy hoạt động chăn nuôi của bà con ổn định, giúp người chăn nuôi đỡ vất vả.

 

Bà Phan Thị Thuận, một hộ nuôi heo ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) cho biết: Thời gian qua, dịch bệnh ở vật nuôi không xảy ra nên người chăn nuôi an tâm đầu tư phát triển đàn. Hiện đàn heo thịt của gia đình tôi tăng lên gần 20 con với 2 lứa, trong đó 1 lứa sẽ xuất chuồng trong khoảng 1 tháng nữa. Chúng tôi rất mong giá cả, dịch bệnh đều ổn định để bà con yên tâm sản xuất.

 

Còn theo nhiều chủ trang trại chăn nuôi heo gia công, nhờ dịch bệnh ổn định, các loại dịch nguy hiểm không xảy ra nên việc nuôi gia công khá thuận lợi. Các chủ trang trại tập trung chăm sóc, nuôi thúc heo, nuôi được lứa nào thu lãi lứa đó.

 

“Thời gian qua, ngành chức năng và người chăn nuôi đã thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, giúp kiểm soát tốt dịch bệnh đàn vật nuôi. Chi cục đã tăng cường công tác kiểm soát việc vận chuyển, mua bán động vật và sản phẩm động vật ra vào tỉnh. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi thực hành tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn. Người chăn nuôi cũng đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa cho trang trại, gia trại của mình”, ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho hay.

 

Không chủ quan, lơ là dịch bệnh

 

Thống kê từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện nay dịch tả heo châu Phi đang xảy ra tại 7 tỉnh trong cả nước, gồm: Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Bình, Bạc Liêu và Đắk Lắk với 13 ổ dịch tại 13 xã của 11 huyện thuộc các tỉnh nói trên. Đến nay, 92 con heo chết và bị tiêu hủy do bệnh này.

 

Trong số các tỉnh đang có dịch tả heo châu Phi, Đắk Lắk có nhiều hoạt động mua bán với Phú Yên nhất, là vùng cung cấp lượng lớn heo thịt phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Phú Yên. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này lây nhiễm vào tỉnh là rất cao, người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là.

 

Là trại chăn nuôi heo lớn với quy mô hơn 5.000 con heo nái giống cấp ông bà, vấn đề dịch bệnh luôn được những người quản lý tại trang trại chăn nuôi heo giống Baf Phú Yên (huyện Sông Hinh) đặc biệt quan tâm. Tại trại, công tác kiểm soát dịch bệnh luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là nguồn bệnh từ ngoài vào. Trại có quy trình kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Mọi thứ từ bên ngoài đưa vào trại đều phải trải qua quy trình kiểm tra, sát khuẩn chặt chẽ với 7 lần tắm sát khuẩn và lưu phòng cách ly 3 ngày.

Ở quy mô nhỏ hơn, các gia trại chăn nuôi cũng có những giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo toàn đàn vật nuôi. Theo ông Nguyễn Văn Trung ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), Đắk Lắk có dịch tả heo châu Phi khiến người nuôi heo lo ngại. Mỗi ngày, tại địa phương có khá nhiều xe vận chuyển heo thịt từ Đắk Lắk về cung cấp cho các lò mổ để xẻ thịt bán ra thị trường nên nguy cơ nhiễm dịch rất cao. “Không để dịch bệnh nguy hiểm này lây nhiễm vào trại nuôi, gia đình tôi thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, định kỳ phun thuốc tiêu độc sát khuẩn môi trường 2 lần/tuần. Heo cũng được cung cấp đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất và tiêm vắc xin ngừa dịch theo quy định”, ông Trung nói.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được kiểm soát tốt nhưng trong thời gian tới, khả năng phát sinh dịch bệnh ở vật nuôi rất cao, vì thời tiết chuẩn bị chuyển mùa và hoạt động vận chuyển, tái đàn gia tăng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Vì vậy, bà con chăn nuôi cần chú ý phòng ngừa các loại bệnh có nguy cơ xảy ra như cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu bò...

 

“Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tăng cường kiểm soát việc mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập tỉnh để kiểm soát tốt đầu vào, cố gắng không để động vật nhiễm bệnh nhập tỉnh. Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi chọn mua con giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, tăng cường thực hành chăn nuôi an toàn sinh học với việc áp dụng các biện pháp: Tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin, hạn chế người ra vào khu chăn nuôi, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, báo cáo cơ quan chức năng khi vật nuôi có dấu hiệu bệnh...”, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết.

 

Hiện nay, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được kiểm soát tốt nhưng trong thời gian tới, khả năng phát sinh dịch bệnh ở vật nuôi rất cao, bà con chăn nuôi cần chú ý phòng ngừa.

 

THỦY TIÊN