• :
  • :

Kem bánh cá Vani Sô Cô La: Vỏ đẹp, nhãn sai, địa chỉ không rõ

(18/07/2025)

Kem bánh cá Vani Sô Cô La bán tại siêu thị có bao bì bắt mắt, nhưng ghi nhãn sai lệch, địa chỉ không xác thực, gây nghi ngờ về nguồn gốc sản phẩm.

Thông tin địa lý không khớp thời điểm sản xuất

Báo Công Thương nhận được phản ánh của bạn đọc về sản phẩm “Kem bánh cá Vani Sô Cô La” ghi tên Công ty Cổ phần Kem Hùng Linh MN Hòa Bình sản xuất. Theo phản ánh, sản phẩm có bao bì bắt mắt, in hình nhân sô cô la chảy cùng dòng chữ “vani sô cô la” dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về thành phần thực tế. Ngoài ra, sản phẩm còn có dấu hiệu ghi nhãn thiếu rõ ràng, từ thành phần, địa chỉ sản xuất cho đến dòng chú thích hình ảnh.

Khảo sát thực tế tại một số hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn TP. Hà Nội của phóng viên cho thấy, sản phẩm đang được bán với giá 18.000 đồng/chiếc, kèm chương trình mua 1 tặng 1, thu hút người tiêu dùng nhờ bao bì màu sắc rực rỡ, hình ảnh nửa chiếc bánh cá vàng ruộm lộ phần nhân sánh đen phía trong.

Sản phẩm được bày bán tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội với thông tin ngày sản xuất 1/7/2025. Ảnh: Văn Hậu

Sản phẩm được bày bán tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội với thông tin ngày sản xuất 1/7/2025. Ảnh: Văn Hậu

Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ phần thành phần trên nhãn, có những chi tiết chưa hoàn toàn khớp với ấn tượng mà bao bì sản phẩm tạo ra. Cụ thể, tên sản phẩm thể hiện rõ “vani sô cô la”, hình ảnh nhân sô cô la chảy đậm, nhưng phần nguyên liệu chỉ ghi “hương vanilla”, “hương chocolate”; không có bất kỳ tỷ lệ nào về vani hay chocolate.

Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP, trường hợp tên của thành phần được ghi trên nhãn hàng hóa để gây sự chú ý đối với hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng. Việc chỉ dùng hương liệu tổng hợp, trong khi lại gây ấn tượng bằng hình ảnh và tên "Kem bánh cá Vani Sô Cô La” có thể xem là gây hiểu lầm về bản chất sản phẩm.

Vẫn theo ghi nhận, bao bì sản phẩm thể hiện ngày sản xuất là 1/7/2025, nhưng địa chỉ doanh nghiệp lại ghi: “Xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình”. Điều này là không đúng bởi từ ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, đồng thời tỉnh Hoà Bình cũng được sáp nhập vào tỉnh Phú Thọ. 

Việc tiếp tục sử dụng địa danh cũ trên sản phẩm sản xuất sau thời điểm thay đổi địa giới thể hiện sự chậm trễ, thiếu cập nhật thông tin và chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP về việc ghi đúng tên địa danh hành chính tại thời điểm sản phẩm lưu thông. Cụ thể Điều 9, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.

Dòng chữ quan trọng được in ở nơi khó thấy

Một điểm đáng lưu ý khác là dòng chữ “Hình ảnh trên bao bì chỉ có tính chất minh họa” giúp người tiêu dùng không hiểu nhầm về sản phẩm, lại được in bằng chữ rất nhỏ, màu nhạt, đặt sát nếp gấp bao bì và bị che khuất bởi lớp nilon ép dọc chính giữa gói. Nếu không chủ động bóc bao hoặc vạch lớp nilon, người tiêu dùng không thể nhìn thấy dòng chữ này. Trong khi đó, tại điều 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

Phải vạch mép nilon lên mới có thể nhìn thấy dòng ghi chú

Phải vạch mép nilon lên mới có thể nhìn thấy dòng ghi chú "hình ảnh trên bao bì chỉ có tính chất minh họa". Ảnh: Đăng Khoa

Có thể thấy, từ tên gọi, hình ảnh đến cách bố trí thông tin trên nhãn, sản phẩm kem bánh cá nói trên đang đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch và trung thực trong cung cấp thông tin tới người tiêu dùng. Những biểu hiện tưởng như vụn vặt, như thành phần không rõ ràng, địa chỉ không khớp với thời điểm sản xuất, hay dòng chữ bị che khuất, thực chất lại là vấn đề pháp lý nghiêm túc.

Không dừng lại ở chuyện… đúng sai giấy tờ, việc ghi nhãn mập mờ còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua hàng, nhất là với người tiêu dùng bị thu hút bởi hình ảnh bắt mắt hay tên gọi hấp dẫn, mà không đủ thời gian đọc kỹ thành phần. Một bố cục bao bì thiếu rõ ràng có thể khiến người mua hiểu sai về bản chất sản phẩm, dù vô tình hay hữu ý.

Với những dấu hiệu chưa rõ ràng trên nhãn sản phẩm, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Không chỉ để bảo đảm tuân thủ quy định về ghi nhãn, mà quan trọng hơn, là để cung cấp cho người tiêu dùng một câu trả lời rõ ràng, giúp họ mua hàng trong sự tin tưởng.

Sản phẩm kem bánh cá Vani Sô cô la thể hiện ngày sản xuất là 1/7/2025, nhưng địa chỉ doanh nghiệp lại ghi: “Xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình”. Điều này là không đúng bởi từ ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, đồng thời tỉnh Hoà Bình cũng được sáp nhập vào tỉnh Phú Thọ. 

Tác giả: Đăng Khoa