"Đầu tàu" nơi sóng cả-Bài 4: Tâm tư chi bộ làng biển

Là “đầu tàu” nơi sóng cả, các chi bộ tại các xã biển đã phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh tại địa phương; góp phần vào công tác xây dựng Đảng vững mạnh. Nhưng trong hành trình đưa “con tàu” vượt sóng đến đích, còn muôn nỗi tâm tư...

Khó trong tổ chức, phân công nhiệm vụ
 
Nói về đặc thù của công tác xây dựng Đảng ở các chi bộ vùng biển, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) Trần Thị Hải Hằng cho biết: Rất khó khăn trong việc phân công nhiệm vụ. Số đảng viên (ĐV) theo nghề biển phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ; mỗi chuyến biển mất 3-5 ngày đối với nghề đánh bắt gần bờ, 15 ngày nếu đi tàu khơi. Hoạt động khó đều tay vì với các ĐV là ngư dân, họ nhận nhiệm vụ xong thì đi biển, ở địa phương có hoạt động, công việc gì nếu không tham gia được nghĩa là không hoàn thành. Bởi vậy, cấp ủy tại các chi bộ vùng biển phải hết sức cân nhắc khi phân công nhiệm vụ cho các ĐV nhằm hài hòa, hợp lý, hiệu quả.

Nhiều băn khoăn, trăn trở được các đảng viên nêu lên tại buổi sinh hoạt chi bộ thôn Mỹ Cảnh (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới).

Nhiều băn khoăn, trăn trở được các đảng viên nêu lên tại buổi sinh hoạt Chi bộ thôn Mỹ Cảnh (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới).

Tại Chi bộ thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), 80% người dân trong thôn làm nghề biển; cấp ủy gồm 3 người thì có 2 đồng chí là ngư dân nên việc tổ chức các hoạt động phải tranh thủ thời gian từng chút một. Bí thư Chi bộ thôn Đông Cảng Nguyễn Ngọc Nam cho biết: Chi bộ có 13 ĐV thì 1 ĐV đã già yếu, 3 ĐV trẻ đi làm ăn xa, 4 ĐV đang làm việc ở xã, chỉ còn 5 ĐV hoạt động dưới thôn. Có ĐV họp được 2/3 buổi phải xin phép nghỉ để về đi biển vì họ không phải chủ tàu mà chỉ “đi bạn” nên không chủ động về mặt thời gian. Với số lượng ĐV ít, nghề biển có tính đặc thù nên việc triển khai, tổ chức các nhiệm vụ tại chi bộ cũng có phần khó khăn.
 
Thế nhưng, muốn xây dựng, phát triển lực lượng lại là vấn đề không hề đơn giản đối với nhiều chi bộ hiện nay. 20 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Đông Cảng cũng là bấy nhiêu năm ông Nguyễn Ngọc Nam tìm người tiếp nối phần việc của những ĐV lớn tuổi, nhưng cơ bản “lực bất tòng tâm”.
 
Phát triển đảng viên mới: Chưa tìm ra lối
 
Có 59 tuổi đời, hơn 16 năm tuổi Đảng nhưng ông Nguyễn Ngọc Báu vẫn được xem là “ĐV trẻ”. Trong chi bộ còn một số ĐV ít tuổi đời, tuổi Đảng hơn ông nhưng họ đều là ĐV được kết nạp và chuyển sinh hoạt từ những chi bộ khác về. Hơn 16 năm qua, ngư dân Nguyễn Ngọc Báu là ĐV duy nhất được kết nạp tại Chi bộ thôn Đông Cảng.
 
Ông chia sẻ: “Tôi có 2 lần học lớp cảm tình Đảng nhưng rồi bỏ dở dang, vì thời trẻ theo phát triển kinh tế gia đình. Sau khi được động viên, tôi quyết tâm phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cũng bởi cảm mến, kính trọng Bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc Nam. Ông làm việc vô tư, trách nhiệm, nghiêm khắc nhưng luôn nhường nhịn, không bao giờ tranh giành quyền lợi với ai và một lòng vì sự phát triển của quê hương...”.
 
Nhiều năm liền, Đông Cảng là chi bộ trong sạch, vững mạnh. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, Đông Cảng là thôn văn hóa kiểu mẫu năm 2022; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường bảo đảm; đời sống người dân ổn định, mức thu nhập bình quân lao động nghề biển đạt 7-8 triệu đồng/tháng… Thế nhưng, một hạn chế mà nhiều năm qua, Chi bộ thôn Đông Cảng vẫn không thể khắc phục, đó là việc phát triển ĐV mới.
 
“Những ai chưa muốn vào, không ép họ được. Có người nhiệt tình với phong trào, hoạt động và mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng lại vướng quy định về bằng cấp. Có người đủ mọi điều kiện, mình bồi dưỡng, đào tạo, chưa kịp kết nạp thì họ đi xuất khẩu lao động. Vậy là đã 15, 16 năm nay, không có ĐV mới được kết nạp tại chi bộ”. Khuôn mặt trầm tư cùng cái lắc đầu, ông Nguyễn Ngọc Nam khẳng định: “Rất khó!”.

Bí thư Chi bộ thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương (bìa trái) và người kế cận hiếm hoi ông đào tạo được đều là những ngư dân.

Bí thư Chi bộ thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương (bìa trái) và người kế cận hiếm hoi ông đào tạo được đều là những ngư dân.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đông Dương (xã Cảnh Dương) Nguyễn Văn Sơn cũng bày tỏ tâm tư: “Thôn tôi có Chi hội trưởng Chi hội Nông dân rất nhiệt tình, tích cực trong mọi hoạt động, bản thân anh muốn vào Đảng nhưng ngặt nỗi anh chưa tốt nghiệp THCS nên đành chịu. Tìm người đủ điều kiện để tham gia tổ an ninh trật tự cũng đã khó rồi chứ chưa nói đến chuyện để kết nạp Đảng. Số đủ điều kiện thì đã đi làm ăn xa. Tất cả nhiệm vụ chính trị được giao, chi bộ tôi đều hoàn thành, riêng chỉ tiêu phát triển ĐV rất khó khăn”.
 
Theo Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương Trần Trung Thành: Trong mấy năm liên tục, công tác phát triển ĐV mới tại địa phương đều không đạt chỉ tiêu đề ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: Số học hết THPT thì đi làm ăn xa; số ở lại địa phương đa phần theo nghề biển; một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay không tha thiết tham gia các hoạt động; một số lại chưa đủ trình độ theo quy định...
 
Cùng muôn nỗi tâm tư
 
Một buổi sinh hoạt thường kỳ tại Chi bộ thôn Mỹ Cảnh (xã Bảo Ninh), rất nhiều vấn đề, những băn khoăn, trăn trở đã được các ĐV thẳng thắn nêu lên, bàn bạc, như: Khó khăn trong phát triển ĐV; việc vi phạm về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); sự phát triển nhanh của các cơ sở du lịch tại địa phương cùng những hệ lụy đi cùng đối với an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường...; hiện tượng tụ tập cờ bạc trên địa bàn…
 
Có thể nhận thấy, chính những khó khăn, vướng mắc đi cùng sự đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ hiện đại, đòi hỏi sự thích ứng của chi bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như sự vận động, phát triển của ĐV trong nhận thức, tư duy nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
 
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quảng Trạch Trần Minh Hường: “Thiếu nguồn để bồi dưỡng, kết nạp ĐV mới đang là khó khăn chung của các chi bộ làng biển hiện nay, nhất là khi “làn sóng” xuất khẩu lao động đang ngày càng mạnh mẽ ở các địa phương. Trên thực tế, có rất nhiều người trẻ mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng nhưng rồi vì mưu sinh nên đành bỏ dở. Không kết nạp được ĐV nên độ tuổi bình quân trong các chi bộ ngày càng tăng, là hạn chế trong nâng cao sức chiến đấu của các chi bộ làng biển”.

Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Cảnh Trần Đình Sơn bày tỏ: Trong muôn nỗi tâm tư, vấn đề đáng ngại nhất là đời sống, thu nhập của người dân trong thôn. Mặc dù là thôn có vị trí đẹp cho phát triển du lịch nhưng người dân Mỹ Cảnh chưa được hưởng lợi nhiều từ ngành nghề này. Các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn nhiều song phần lớn là ở nơi khác đến. Thu nhập chính đa phần vẫn dựa vào nghề biển, phụ nữ thất nghiệp còn nhiều,… Phần nào cũng do nhận thức của người dân còn hạn chế, không chịu khó học hỏi, vẫn còn tư tưởng luẩn quẩn “ao nhà”. 

Tại báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023, Đảng ủy xã Cảnh Dương đã chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh và trong công tác xây dựng Đảng, như: Vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm IUU; tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, lắp thiết bị giám sát hành trình; tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn diễn ra ở cấp THCS; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra và tiềm ẩn phức tạp; công tác quản lý ĐV ở một số chi bộ có mặt còn hạn chế, chưa chặt chẽ; công tác phát triển ĐV chưa đạt chỉ tiêu đề ra…
 
Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương Trần Trung Thành khẳng định: Quan điểm của chúng tôi là không giấu diếm mà cần thẳng thắn nhìn nhận vào những mặt còn hạn chế, các nguyên nhân khách quan, chủ quan để cùng bàn bạc, tìm ra giải pháp tháo gỡ. Có như vậy, mới xây dựng được các tổ chức Đảng thực sự vững mạnh, từ đó phát huy vai trò, năng lực lãnh đạo tại các địa bàn vùng biển.
 Nhóm P.V Phòng Kinh tế
 
Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202409/dau-tau-noi-song-ca-bai-4-tam-tu-chi-bo-lang-bien-2221061/
  • :
  • :