Những nông dân năng động

Tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, phương pháp chăn nuôi sạch vào sản xuất tại địa phương, nhiều nông dân ở huyện Quảng Ninh đã thành công với các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, khẳng định khả năng nhạy bén, bắt kịp xu thế trong phát triển kinh tế, làm giàu.

Bắt kịp công nghệ
 
Cách đây 22 năm, ông Nguyễn Văn Thảo, xã Duy Ninh lựa chọn con tôm để bắt đầu khởi nghiệp.
 
Vốn có nhiều năm lăn lộn làm ăn ở miền Nam và có ít kinh nghiệm về nghề nuôi tôm, ông quyết định trở về quê. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn bộ diện tích nuôi tôm của ông đang áp dụng theo phương pháp truyền thống.
 
Ông Thảo chia sẻ: “Nuôi theo phương pháp truyền thống là thả giống trực tiếp trên ao đất. Với phương pháp thả nuôi này, mật độ con giống phải thưa, không thể dày nên hiệu quả kinh tế không cao. Hơn nữa, nguồn nước lấy vào trực tiếp để nuôi tôm là nước sông Kiến Giang nên không bảo đảm độ sạch, tỷ lệ tôm nhiễm bệnh do nước sông ô nhiễm hàng năm khá cao”. Sau nhiều năm gắn bó với phương thức nuôi truyền thống, nhận thấy không đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, ông Thảo đã đi học tập kinh nghiệm về phương pháp nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Bạc Liêu. Trở về, ông cải tạo toàn bộ diện tích nuôi cũ để chuyển đổi sang nuôi theo mô hình công nghệ cao.
 
Trên diện tích gần 2,5ha, ông cải tạo trang trại thành 9 ao để nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó có 2 ao lắng, 7 ao nuôi và ao ươm giống bằng nhựa composite. Mỗi năm ông nuôi từ 2-3 vụ tôm; trung bình mỗi vụ ươm khoảng 80 vạn đến 1,1 triệu con tôm giống thẻ chân trắng; từ nửa tháng đến 1 tháng thì bắt đầu cho ra ao nuôi.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho thu nhập khá của ông Nguyễn Văn Thảo.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho thu nhập khá của ông Nguyễn Văn Thảo.

Ông Thảo cho hay: “Khác với nuôi tôm truyền thống, nuôi công nghệ cao phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình nuôi, nhất là nguồn nước. Nguồn nước phải trải qua nhiều bước xử lý mới đưa vào để nuôi tôm. Cụ thể, nước sông dẫn vào ao, khi đủ độ mặn thì bơm vào ao lắng, sau đó tiếp tục được xử lý, khử trùng bằng chất clo và chạy quạt liên tục trong 24 giờ và được xử lý bằng vôi, canxi. Khi nguồn nước trong, ổn định và đủ tiêu chuẩn thì mới bơm vào ao nuôi hoặc ao ươm giống. Các bước đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, nếu không, khi đưa vào nuôi tôm dễ bị bệnh và chết”.  
 
So với các hộ chăn nuôi tôm trên địa bàn huyện, trang trại nuôi tôm của ông Thảo được xem là một trong những trang trại ứng dụng bể nhựa composite vào nuôi tôm sớm nhất. “Bể nhựa composite dùng bền, khả năng giữ nhiệt tốt hơn cho tôm, hạn chế được va đập, dễ di chuyển, không ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản, dễ dàng vệ sinh..., mặc dù giá thành cao hơn các loại khác. Qua nghiên cứu và tìm hiểu, phương thức nuôi nào an toàn, hiệu quả, hiện đại và cho năng suất cao tôi đều áp dụng”, ông Thảo tâm sự.  
 
Nhờ sự năng động áp dụng phương thức nuôi công nghệ cao thay thế cách nuôi truyền thống, các vụ tôm của ông Thảo đều cho năng suất cao. Theo ông Thảo, từ khi áp dụng phương thức nuôi này, tỷ lệ thất thu tương đối ít; trung bình mỗi vụ, trang trại ông xuất bán khoảng 10-17 tấn tôm thẻ chân trắng, mỗi năm cho thu nhập 500-700 triệu đồng. Bên cạnh đó, trang trại nuôi tôm công nghệ cao của ông cũng tạo việc làm cho một số lao động địa phương.
 
Với sự nỗ lực phấn đấu trong nhiều năm liền, ông Thảo đã vinh dự được nhận giấy khen, bằng khen của UBND huyện và UBND tỉnh tặng vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh giỏi. 
 
Nhạy bén trong sản xuất
 
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của người dân ngày càng tăng, anh Lê Văn Vương, xã An Ninh đã nghiên cứu, tìm tòi phương pháp chăn nuôi sinh học. So với các phương pháp chăn nuôi khác thì đây là phương pháp chăn nuôi mới, không sử dụng chất tăng trưởng, thức ăn công nghiệp và mang lại giá trị kinh tế cao.
 
Anh Vương cho hay: Vốn làm nghề lái xe, tuy nhiên, trong thời gian chạy xe từ Nam ra Bắc, anh được xem và học hỏi một số mô hình chăn nuôi sạch của người dân các tỉnh. Mong muốn bản thân, gia đình và mọi người được sử dụng những thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe, anh đã về quê và chuyển hướng sang làm mô hình chăn nuôi lợn, dê sử dụng thức ăn thảo dược.
 
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Tuyển cho biết, những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã năng động, dám nghĩ, dám làm, xây dựng những mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình sinh học không ảnh hưởng đến môi trường, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Những nông dân này là điểm sáng trong phong trào thi đua sản xuất, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ban đầu, do nguồn vốn chưa có nhiều, anh vay mượn và dành một khoản để đầu tư xây xây dựng hệ thống chuồng trại, số tiền còn lại anh dành mua 10 con lợn và 20 con dê để nuôi thử.

“Nuôi theo phương pháp sinh học sử dụng thức ăn thảo dược nên việc chế biến thức ăn là khâu quan trọng. Thức ăn hàng ngày của chúng là các loại cây cỏ, thảo dược được trồng trong vườn như đinh lăng, đu đủ, từ bi... Ngoài ra, để lợn, dê tăng sức đề kháng, chống chịu với dịch bệnh, tôi đã tìm hiểu và chế biến các loại cây thảo dược bằng cách ủ trộn với rỉ mật đường, men tỏi, gừng... sau đó ép thành dạng viên. Cách làm này có thể bảo quản thức ăn được lâu hơn, và tiện hơn cho mỗi lần sử dụng”, anh Vương chia sẻ.  
 
Với phương pháp nuôi này, đàn dê và lợn của anh sinh trưởng khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, ít bị bệnh. Đặc biệt, việc chăn nuôi bằng thảo dược giúp tăng giá trị sản phẩm. Từ những con giống ban đầu, anh đã nhân đàn để bán thịt thương phẩm. Bước đầu, mô hình giúp gia đình anh có lợi nhuận, mỗi năm đạt trên 100 triệu đồng.
 
Anh Vương cho hay, hiện tại anh đã mở rộng hệ thống chuồng trại để tiếp tục tái đàn, nhân đàn với số lượng lớn. Mô hình sẽ cũng cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng tốt, qua đó đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm thịt sạch cho người dân.

Đ.N

 

Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202409/nhung-nong-dan-nang-dong-2221042/
  • :
  • :