• :
  • :

Tích cực đấu úng cứu lúa

(31/01/2023)

Tính đến ngày 30/1, trên địa bàn tỉnh còn hơn 2.100 ha lúa đông xuân bị ngập úng, nhiều vùng nguy cơ thiệt hại rất cao. Các địa phương, hợp tác xã (HTX) đang tích cực đấu úng, thoát nước nhanh cứu lúa.

Ngành nông nghiệp đã cử cán bộ về kiểm tra, theo dõi tình hình ngập úng và các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp phòng trừ

Là vùng trọng điểm lúa của huyện Phú Vang, xã Vinh Hà, Phú Gia vụ đông xuân năm nay đưa vào sản xuất hơn 2.000ha lúa. Hệ thống đê bao vùng lúa này đầu tư đã lâu, được nâng cấp qua các thời kỳ nên nhiều nơi đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Trong những ngày qua, chính quyền xã Phú Gia đã đưa vào hoạt động 9 trạm bơm, phát huy hết công suất để tiêu úng cho lúa. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 120ha lúa chắc chắn bị mất trắng do ngập đã quá 7 ngày.

Ông Đỗ Viết Tư, Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết, toàn xã đến nay đã đưa vào gieo sạ 910 ha (trên tổng số 1.030ha), số còn lại dự kiến sẽ gieo sạ xong trước 5/2. Tuy nhiên, trận mưa lớn từ đầu Tết Nguyên đán đã làm 900ha lúa bị ngập.

Địa phương cùng HTX đã huy động máy móc, ngoài các trạm bơm chính còn trưng dụng thêm các máy bơm dầu để tiêu úng cho diện tích này. Đến nay cơ bản mực nước chân ruộng đã hạ.Tuy vậy, vẫn còn 120ha vùng ngoài bàu ô do cao trình đê thấp nước tràn qua phải chờ triều hạ nên diện tích này không cứu được. Xã đang chuẩn bị phương án bố trí nguồn giống cho người dân gieo sạ lại diện tích này sau khi nước rút.

“Hiện nay, trên địa bàn xã có vùng Bàu B với diện tích 550ha lúa, hệ thống đê bao nội đồng đã khép kín, đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Riêng vùng Bàu A đê cao trình thấp, chưa khép kín. Mới đây, chỉ mới đầu tư nâng cấp được 2km, còn khoảng 7km nữa đang xuống cấp nên vùng này thường xuyên ngập khoảng 480ha khi gặp mưa lớn mỗi mùa vụ”, ông Tư cho biết thêm.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy hơn 28.100ha, đến nay đã thực hiện gieo cấy được khoảng 27.000ha, diện tích còn lại là hơn 1.000ha sẽ tiến hành xuống giống trong thời gian tới.

Nhiều diện tích lúa ở các địa phương vẫn còn mênh mông nước

Trước đó, trong ngày 25/1 do ảnh hưởng của không khí lạnh, gây mưa lớn đã làm ngập úng hơn 7.100ha lúa toàn tỉnh với mức ngập từ 0,2-0,3m, đến nay đã tiêu úng được 5.000ha, các địa phương, HTX đang tiếp tục bố trí máy móc, nhân lực tiêu úng cho khoảng 2.100ha còn lại với mức ngập từ 0,15-0,2m.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND phường Hương Vinh (TP. Huế) cho biết, đã huy động 50 máy bơm dầu di động bổ sung cho trạm bơm ở địa phương này để tiêu úng cứu 150ha lúa của phường. Ngoài ra, đã kiểm tra, tiến hành gia cố lại một số tuyến đê bị hư hỏng, cao trình thấp nhằm hạn chế nước tràn vào đồng ruộng.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, trong quá trình bơm tiêu úng một số đê bao trên địa bàn tỉnh đã xảy ra sự cố như vỡ, tràn bờ bao. Cụ thể, trạm bơm Đông Hưng bị tràn 30cm trên chiều dài 20m, làm ngập úng toàn bộ diện tích 60ha vùng tiêu Đông Hưng; trạm bơm Hương Vinh tràn 20m đoạn giữa Hương Vinh và Hương Sơ; trạm bơm Nam Thanh tràn đê nội đồng 10m (Đông Toàn); trạm bơm Điền Hải 4 Tổ 1 bị vỡ 4m…

Sau khi xảy ra sự cố vỡ, tràn bờ bao, các địa phương, HTX đã huy động nhân lực, vật tư tiến hành đào đắp, gia cố tạm thời bảo vệ đồng ruộng.

Ông Đặng Văn Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin, nhằm đảm bảo sản xuất, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cùng với địa phương đi kiểm tra tình hình gieo sạ, triển khai khắc phục các tuyến đê bao bị vỡ và triển khai đấu úng bảo vệ sản xuất vụ đông xuân.

Công ty TNHHNN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi, thường xuyên theo dõi lịch triều, mực nước trên sông, đầm phá để đóng, mở các cửa cống trên đê ven phá, đập Cửa Lác, Thảo Long, cống Quan,… để tiêu úng kịp thời. Phối hợp với các địa phương, các HTX sản xuất nông nghiệp huy động toàn bộ máy bơm tổ chức tiêu úng ngay sau khi nước rút để cứu lúa, việc đấu úng phải được tính toán phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, khi xảy ra mưa gây ngập úng đồng ruộng, các địa phương, HTX cũng như Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chủ động triển khai ngay công tác tiêu úng. Theo đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị thủy nông huy động toàn bộ trạm bơm, các thiết bị, vật tư, mở tất cả các cửa cống trên đầm phá để đấu úng cho lúa.

Đồng thời, khuyến cáo nông dân, sau khi tiêu úng cần đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc, bón phân, tỉa dặm, đảm bảo mật độ trên đồng ruộng, nhất là diện bị ngập do mưa lớn. Ngoài ra cần bón lót đầy đủ phân lân, kali,... trước khi gieo, cấy nhằm tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi như mưa, rét.

Từng bước nâng cấp công trình thủy lợi

Theo Quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, tổng kinh phí đầu tư thủy lợi trong giai đoạn này gần 12 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2017- 2025 hơn 6.000 tỷ đồng, bao gồm kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng công trình thủy lợi 5.875 tỷ đồng và kinh phí đầu tư cho giải pháp phi công trình 165 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2035 gần 6.000 tỷ đồng, gồm kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng công trình thủy lợi 5.618 tỷ đồng và kinh phí đầu tư cho giải pháp phi công trình 281 tỷ đồng.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn:baothuathienhue.vn Copy link