Theo đó, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích canh tác rau là 3.000 ha (diện tích gieo trồng 15.280 ha), tập trung tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn; sản lượng ước đạt 446.000 tấn. Hàng năm chuyển giao 3 - 4 giống rau mới phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp đô thị tại TP, cung cấp cho thị trường 400 - 500 tấn hạt giống rau các loại, đáp ứng cho 560.000 - 700.000 ha gieo trồng.
Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 15% - 20% tổng diện tích gieo trồng rau của TP. Diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao của TP đạt 540 - 600 ha (chiếm tỷ lệ 18% - 20% tổng diện tích sản xuất rau); diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt khoảng 10 - 15 ha; giá trị sản xuất bình quân thu được trên 1 ha đất trồng rau đạt bình quân 700 - 750 triệu đồng/năm; giá trị sản lượng rau ứng dụng công nghệ cao chiếm 40% - 50% tổng giá trị rau. Hỗ trợ xây dựng và phát triển 2 - 4 chuỗi giá trị ngành hàng rau tiêu thụ tại TP.
Trên 95% số mẫu rau sản xuất tại TP HCM được thanh, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn |
TP HCM định hướng đến năm 2030, diện tích canh tác rau là 2.500 ha (diện tích gieo trồng 12.900 ha), tập trung tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn; sản lượng ước đạt 387.000 tấn, trong đó sản lượng rau phục vụ chế biến 15.000 - 20.000 tấn (chiếm khoảng 4% - 5% tổng sản lượng rau). Hàng năm chuyển giao 5 - 6 giống rau mới phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp đô thị tại TP, cung cấp cho thị trường 850 - 950 tấn hạt giống rau các loại, đáp ứng cho 1.200.000 - 1.500.000 ha gieo trồng.
Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 30% - 40% tổng diện tích gieo trồng rau của TP; diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 1.000 - 1.250 ha (chiếm tỷ lệ 40% - 50% tổng diện tích sản xuất rau); diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt khoảng 15 - 20 ha.
Về giá trị sản xuất bình quân thu được trên 1 ha đất trồng rau đạt bình quân 800 - 850 triệu đồng/năm, giá trị sản lượng rau ứng dụng công nghệ cao chiếm 60% - 70% tổng giá trị rau. Hỗ trợ xây dựng và phát triển 4 - 6 chuỗi giá trị ngành hàng rau tiêu thụ tại TP. Phấn đấu 100% số mẫu rau sản xuất tại TP HCM được thanh, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP HCM triển khai một số giải pháp như: Tổ chức sản xuất, phát triển các vùng sản xuất tập trung, ổn định gắn với nghiên cứu sản xuất giống, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất; tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị như: Liên kết, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung trên địa bàn TP hoặc hình thành các vùng nguyên liệu tại các tỉnh gắn với cơ sở chế biến, phân phối tiêu thụ tại TP HCM; đẩy mạnh việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Về khoa học và công nghệ, TP HCM nghiên cứu, phát triển sản xuất giống; chuyển giao kỹ thuật canh tác, sơ chế, chế biến và bảo quản.
Về đầu tư tăng cường năng lực, TP HCM thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất rau an toàn theo hướng xã hội hóa, trong đó nguồn lực chính là doanh nghiệp và người dân. Hộ nông dân đầu tư hình thành vùng sản xuất rau tập trung; hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết các hộ, doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản rau; doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy sơ chế, chế biến sản phẩm.
Trong khi đó, ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tham quan, học tập các mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trong và ngoài nước; đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện... để phát triển vùng sản xuất, chế biến...