Công an TP Huế vận động chủ thuyền dọc bờ sông Hương neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn ngày 3/11 (Ảnh CTV) |
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương vừa ban hành công điện về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo thông tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ chiều tối 3 - 9/11, tại Thừa Thiên - Huế chịu ảnh hưởng của một hình thái thời tiết xấu gây mưa to, mưa rất to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 500 - 850mm, có nơi trên 1.000 mm. Đây là đợt mưa rất phức tạp, kéo dài nhiều ngày, mưa tập trung mạnh nhất từ ngày 5 - 8/11.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP Huế theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Mưa lớn gây ra nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét ở vùng núi, ngập úng ở vùng hạ lưu (Ảnh CA) |
Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân có phương án dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu chủ động ứng phó với mưa lũ, chia cắt có thể diễn ra dài ngày.
Rà soát các kế hoạch, phương án sơ tán dân, phương án ứng phó thiên tai lũ, khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ quét, ngập lụt; chỉ đạo lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt, cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt, nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ.
Bờ biển tại Thừa Thiên - Huế bị sạt lở chưa kịp khắc phục lại có khả năng đối diện với đợt thiên tai khốc liệt mới (Ảnh CTV) |
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh kiểm tra các phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt; tiếp tục chủ động vận hành điều tiết mực nước hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ trong các đợt mưa lớn sắp tới; tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc và vận hành công trình theo quy trình đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Các địa phương, cơ quan chức năng cần rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông khu vực dễ bị chia cắt, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất về tài sản cho người dân và Nhà nước.