• :
  • :

Thời trang bán lẻ đìu hiu trước thềm Tết Nguyên đán

(29/11/2024)

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã chuyển cách thức mua sắm từ việc mua trực tiếp tại cửa hàng sang mua trực tuyến online. Điều này đã gây ra không ít khó khăn đối với mô hình thời trang bán lẻ tại các chợ truyền thống khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

Bán lẻ truyền thống có còn hợp thời?

Chợ Đồng Xuân được coi là một trong những chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội từ trước tới nay với sự đa dạng hoá về sản phẩm, số lượng mặt hàng nhập vào bán ra. Tuy nhiên, trái với những nhà buôn lớn, những gian hàng thời trang nhỏ lẻ trong chợ lại gặp tình trạng vắng vẻ, ế khách trong vài năm trở lại đây.

Theo ghi nhận, những gian hàng thời trang bán lẻ hàng ngày rất vắng khách, chỉ lác đác một vài người vào xem sản phẩm. Nằm trong một địa điểm du lịch thu hút nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước, nhưng tình trạng không bán được hàng vẫn diễn ra thường xuyên.

Thời trang bán lẻ đìu hiu trước thềm Tết Nguyên đán

Hàng quần áo tại chợ Đồng Xuân (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vắng khách

Vào dịp sát Tết cuối năm, các cửa hàng sẽ nhập nhiều mẫu sản phẩm về bày bán, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều gian hàng tại chợ còn trưng bày các sản phẩm mùa hè. “Do nhu cầu của người mua không còn nhiều như trước nên chúng tôi không nhập sản phẩm mùa đông để bán nữa” – chia sẻ từ một chủ cửa hàng thời trang tại chợ Đồng Xuân.

Cận kề dịp Tết, như bao người chủ cửa hàng khác tại chợ Nghĩa Tân đang bận tâm về việc tăng doanh thu cửa hàng, cô Nguyễn Thị Phúc, 73 tuổi, Hà Nội chia sẻ: “Trước khi đại dịch Covid xuất hiện, cửa hàng đã có lúc phải thuê vài nhân viên vì lượng khách rất đông và ổn định, hồi đó cứ mỗi tháng đi lấy hàng một lần, bây giờ phải vài tháng mới đi vì tình trạng chung của chợ ngày nay là quá vắng khách.”

Thời trang bán lẻ đìu hiu trước thềm Tết Nguyên đán

Những chủ gian hàng ngồi dùng điện thoại vì không có khách

Thời trang bán lẻ đìu hiu trước thềm Tết Nguyên đán

Chợ Nghĩa Tân (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) vắng tanh dù chủ cửa hàng bày bán rất nhiều quần áo

Khi được hỏi về việc nhập hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, cô Phúc nói mình nhập hàng theo nhu cầu của người mua, bây giờ không có khách nên cũng không nhập nữa, sản phẩm mùa hè và mẫu quần áo mùa đông từ năm ngoái giờ vẫn còn thì treo lên kệ trưng bày cho đa dạng.

Tương tự như cô Phúc, Anh Bùi Văn Lâm, một chủ cửa hàng thời trang cho trẻ nhỏ tại chợ Nhà Xanh cho biết: “Tình trạng này diễn ra từ sau đại dịch Covid, đi kèm với chuyển đổi số là sự thay đổi trong thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Như mọi năm khi gần Tết, thời điểm này đã có nhiều người mua nhưng mấy năm nay thì tốc độ bán hàng giảm đi đáng kể”.

Thời trang bán lẻ đìu hiu trước thềm Tết Nguyên đán

Vợ chồng cô Phúc đã kinh doanh tại chợ gần 30 năm

Bên cạnh đó, anh Lâm cũng cho biết hiện nay phần lớn mọi người tới chợ đều có tâm lý chỉ đi xem mẫu mã sản phẩm, vào thử đồ chứ không mua. Khi đứng ngoài nhìn vào cửa hàng có thể thấy rất đông khách nhưng thực chất là không bán được hàng.

Theo ghi nhận, hầu hết các cửa hàng tại chợ đều treo những tấm biển khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng. Các sản phẩm bày bán tại chợ có nhiều mẫu mã, đa dạng, không quá khác biệt so với mặt hàng trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng những năm trở lại đây, các cửa hàng thời trang bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với sàn thương mại điện tử.

Sự thay đổi trong thói quen mua hàng của người tiêu dùng

“Mô hình bán hàng trực tiếp tại cửa hàng như mình khó mà cạnh tranh với bán hàng online bởi mẫu mã, số lượng sản phẩm của họ rất nhiều, đi kèm với mạng xã hội nên họ dễ dàng tiếp cận tới nhiều đối tượng khách hàng hơn.” – anh Lâm nói.

Ở phía người tiêu dùng, bạn Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 20 tuổi, Hà Nội chia sẻ: “Thường chúng em vào chợ để tham khảo, so sánh về mẫu mã, giá cả và khi về sẽ tìm mẫu đó trên mạng rồi mua với giá rẻ hơn. Chúng em thường xuyên đi dạo các chợ quần áo truyền thống nhưng số lần mua hàng thì rất ít do đặt quần áo trên mạng tiện nghi hơn, không phải trả giá mặc cả và có thể áp dụng nhiều phiếu giảm giá cùng một lúc nên chúng em ưu tiên mua hàng online.”

Thời trang bán lẻ đìu hiu trước thềm Tết Nguyên đán

Chợ Nhà Xanh (Quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Giống như Ánh Tuyết, bạn Ngọc Quý, 22 tuổi, Hà Nội cho biết: “Em rất ít khi ra cửa hàng để mua quần áo, thường các sản phẩm em sử dụng đều có trên sàn thương mại điện tử, em chỉ cần ở nhà đặt hàng qua mạng, sau vài ngày là có thể nhận được hàng”.

Cạnh tranh trên thị trường thời trang bán lẻ tại Hà Nội hiện nay rất khốc liệt. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng đã có mặt tại Việt Nam. Đi kèm với sự phát triển đó là sự thay đổi nhanh chóng trong hành vi tiêu dùng và nắm bắt xu hướng thời trang của người mua hàng.

Thực tế cho thấy, với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng việc mua hàng online bởi chỉ cần vài thao tác là có thể mua thành công sản phẩm mình ưa thích mà không cần phải đến tận nơi bày bán sản phẩm.

Thời trang bán lẻ đìu hiu trước thềm Tết Nguyên đán

Các cửa hàng treo biển giảm giá sâu

Thời trang bán lẻ đìu hiu trước thềm Tết Nguyên đán

Người mua chỉ đi tham khảo các mặt hàng

Nhóm khách hàng mua sắm trực tuyến chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 18-34, bởi đây là nhóm người tiêu dùng năng động, có sự am hiểu về công nghệ, thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội, do đó sẽ dễ dàng tiếp cận với các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, sự đa dạng trong các kênh mua sắm trực tuyến cũng góp phần không nhỏ làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người mua hàng. Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,… hay sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, Tiktok đã tạo ra một không gian mua sắm khổng lồ đi kèm với sự tiện nghi trong các quy trình để người dùng có thể nhanh chóng tiếp cận, đặt mua, sử dụng sản phẩm.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (VECITA), thị trường thương mại điện tử Việt Nam có giá trị lên đến 16,4 tỷ USD trong năm 2023, tăng 25% so với năm 2022, điều này đã phản ánh rõ xu hướng của người tiêu dùng trong việc chuyển đổi sang mua sắm trực tuyến.

Thời trang bán lẻ đìu hiu trước thềm Tết Nguyên đán

Người mua hàng thường là các bạn học sinh, sinh viên và hầu như chỉ là đi tham khảo giá

Người tiêu dùng hiện nay có sự thay đổi lớn về thói quen và hành vi mua hàng. Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội, các cửa hàng bán lẻ truyền thống gặp phải nhiều khó khăn trong việc trụ lại thị trường thời trang nói chung và tiếp cận tới người tiêu dùng nói riêng. Do đó việc chuyển mình để thích nghi với thời đại là điều đáng cân nhắc đối với các cửa hàng thời trang bán lẻ hiện nay.

Link bài gốc Copy link