• :
  • :

Thêm nguồn lực kích cầu phát triển kinh tế - xã hội

(11/07/2022)

Việc thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp dịch vụ logistics và được kỳ vọng tăng thêm nguồn lực đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tăng thu, tăng cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh

Tàu du lịch cập cảng Chân Mây. Ảnh: AP 

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 8, khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra sáng 11/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã trình bày tờ trình về của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Việc thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.  

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, việc ban hành thực hiện chính sách này góp phần khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cảng biển nước sâu Chân Mây phát triển thành một cảng có quy mô lớn và hiện đại; tiếp nhận và xếp dỡ hàng hóa tàu container nội địa, quốc tế trong khu vực. Thúc đẩy dịch vụ logistics, thu hút lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Chân Mây, qua đó góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư; tăng thu ngân sách của tỉnh.

Theo tờ trình, các cơ sở pháp lý đều đảm bảo. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Đặc biệt, đây là việc cụ thể hóa Kết luận 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị: “Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”.

Nếu được thông qua, Nghị quyết quy định cụ thể mức hỗ trợ: Hãng tàu biển thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng được hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến cập cảng. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container hoặc có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh) được hỗ trợ 800 ngàn đồng/container 20 feet hoặc 1,1 triệu đồng/container 40 feet.

Dự kiến tổng chi phí hỗ trợ khoảng 18,34 tỷ đồng/năm. Nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện chính sách đến hết ngày 31/12/2023.

Trong khi đó, theo tính toán của UBND tỉnh, theo chỉ tiêu giao của Bộ Tài chính năm 2022 cho tỉnh thu thuế từ xuất nhập khẩu là 480 tỷ đồng thì vượt thu 1.261 tỷ đồng, tỉnh được để lại 70% là 882 tỷ đồng; năm 2023 Bộ Tài chính giao 1.000 tỷ đồng thì vượt thu 740 tỷ đồng, tỉnh được để lại 70% là 518 tỷ đồng. Khi áp dụng chính sách mới, tổng thu phí địa phương nếu có hàng cotainer thì năm 2022 thu thuế tại địa phương tăng lên 970 tỷ đồng; năm 2023 thu địa phương đạt 606 tỷ đồng.

Ngoài ra, chính sách mới này còn góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics, tạo việc làm cho lao động địa phương, tạo môi trường thu hút đầu tư và phát triển các loại hình dịch vụ khác; thông thương hàng hóa trong khu vực và các nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh; tăng cơ hội xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn.  

Sớm trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết

Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp Lê Văn Tuệ phát biểu thảo luận tại tổ 

Thảo luận tại tổ, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp Lê Văn Tuệ cho biết, xu hướng vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ lĩnh vực vận chuyển các mặt hàng rời sang vận chuyển hàng hóa đóng container do phương thức này có nhiều ưu điểm, giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, năng suất lao động tăng. Tại khu vực miền Trung những năm gần đây giao thương hàng hóa, đầu tư kinh tế kỹ thuật, hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế làm gia tăng lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa container. Do vậy, nhu cầu vận tải container tăng lên nhiều, rất cấp thiết.

Cũng theo ông Lê Văn Tuệ, Chân Mây là cảng nước sâu tự nhiên có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, có thể mở rộng và đủ khả năng phát triển thành một cảng lớn, hiện đại; hội đủ điều kiện trở thành cảng biển nước sâu cá khả năng tiếp nhận, vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa tàu chở container. Nếu tăng lượng hàng container qua cảng, nguồn thu tăng thêm cho ngân sách từ kênh này là rất lớn. Đồng thời, thu hút doanh ngiệp vào lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế. Ông Lê Văn Tuệ tán thành thông qua nghị quyết này trình HĐND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, Nghị quyết số 38 của Quốc hội về thực hiện cơ chế chính sách đặc thù của Thừa Thiên Huế có cơ chế NSTW bổ sung có mục tiêu 70% số tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu so với dự toán Chính phủ giao (không gồm thuế GTGT từ hàng hóa nhập khẩu) nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với số thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương. Khẳng định cơ chế này sẽ thuộc thẩm quyền và do Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quyết định. Việc thực hiện cơ chế này sẽ tăng thu ngân sách. Áp dụng cơ chế vượt thu thì đây là chính sách mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trưởng Lưu khẳng định, khi thực hiện nghị quyết về thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây thì thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Sau khi áp dụng được các cơ chế, chính sách đặc thù này, sẽ tạo điều kiện cho tỉnh huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tạo đà phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế trong khi nguồn cân đối từ ngân sách địa phương hiện nay còn hạn chế, chưa thể đáp ứng yêu cầu. Cùng với nhiều việc tỉnh đang triển khai thực hiện hiện nay kết hợp việc tận dụng các cơ chế chính sách đặc thù sẽ tạo một tiền đề, một diện mạo mới cho Huế để đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị” - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.

Tại phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu thống nhất chủ trương, giao Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ, trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp đến.

Bài, ảnh: Thái Bình