• :
  • :

Tăng cường kết nối, tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử

(17/10/2024)

Nhằm mở rộng thị trường và tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đưa sản phẩm nông, lâm, thủy sản lên các nền tảng thương mại điện tử. Việc làm này không chỉ giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường, mà còn cải thiện hiệu quả kinh tế cho các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Tăng khả năng tiếp cận thị trường

Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Hà Nội hiện đang duy trì “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội”(check.hanoi.gov.vn).

Đến nay, thành phố đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản, duy trì hệ thống quản lý cho 3.533 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản; đã cấp 14.050 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.

Ngoài ra, phần mềm tự công bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản, năm 2024, đăng tải 3.446 bộ hồ sơ tự công bố thực phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản…

“Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đưa sản phẩm nông, lâm, thủy sản lên các nền tảng thương mại điện tử, nhằm mở rộng thị trường và tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.

Tăng cường kết nối, tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử

Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đưa sản phẩm nông, lâm, thủy sản lên các nền tảng thương mại điện tử

Trong năm 2024, số lượng sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử đã tăng 30% so với năm trước. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã triển khai, ứng dụng marketing số (digital marketing) để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu thông qua các trang mạng xã hội (facebook, tiktok, zalo…), website và ứng dụng di động. Việc này giúp tăng cường nhận diện, thu hút khách hàng từ các thị trường trong và ngoài nước”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Là một trong những hợp tác xã tiên phong trong chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp, Tổng Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám thông tin: 100% sản phẩm rau của hợp tác xã sau khi sơ chế, đóng gói được dán tem QRCode truy xuất nguồn gốc đến từng hộ sản xuất và từng thửa ruộng.

Đến nay, sản phẩm rau của hợp tác xã tiêu thụ ở các siêu thị: Lotte Big C, Go, Tops; 21 trường học, 3 bệnh viện, 4 công ty và nhà máy chế biến thực phẩm tại Hà Nội. Tổng sản lượng tiêu thụ 9 tháng năm 2024 là 640 tấn, doanh thu đạt 18 tỷ đồng.

Phó Chánh Văn phòng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Nghiêm Tuấn Anh cho biết: Việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử không chỉ giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường, mà còn cải thiện hiệu quả kinh tế cho các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Do đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã xây dựng nền tảng thương mại điện tử chuyên về nông, lâm, thủy sản Việt Nam với thương hiệu Postmart.vn (mới đổi tên là Buudien.vn).

Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, sàn thương mại điện tử Buudien.vn đã đưa được gần 3.600 sản phẩm đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lên sàn, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên sàn lên 8.240 sản phẩm, đạt hơn 79% sản lượng OCOP quốc gia.

Số giao dịch phát sinh tính riêng trong tháng 9/2024 đạt 14.250 giao dịch với giá trị giao dịch đạt hơn 4,2 tỷ đồng, dự kiến, quý IV/2024, sàn tiêu thụ 400 tấn nông sản các loại.

Đồng bộ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Hiện, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn là mới, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định cụ thể, nên bước đầu triển khai còn lúng túng. Việc ứng dụng các công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản như việc áp dụng IoT, cảm biến trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất vẫn chưa được nhiều… do sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán.

Tăng cường kết nối, tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử

Việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử không chỉ giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường, mà còn cải thiện hiệu quả kinh tế cho các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản

Để tháo gỡ khó khăn và đưa công nghệ số vào khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho rằng: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của thành phố lên sàn thương mại điện tử…

Còn theo Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Nguyễn Quốc Toản, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng hệ thống dữ liệu ngành Nông nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp và kịp thời, tạo động lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ngành Nông nghiệp đúng trọng tâm và hiệu quả.

Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch nông thôn trên nền tảng số, thông qua các sàn thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến để thúc đẩy tiêu thụ nông sản...

 

 

Link bài gốc Copy link