Năm 2023, tỉnh Sơn La trồng hơn 84.700ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả dự kiến đạt gần 452.000 tấn. Một số loại cây ăn quả có sản lượng lớn, như: Chuối 55.000 tấn, mận gần 90.000 tấn, xoài 81.000 tấn, nhãn 139.000 tấn…
Nhân viên sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart giới thiệu trái cây Sơn La trên gian hàng số |
Để bảo đảm hoạt động tiêu thụ, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều phương án nhằm kết nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Nhờ tích cực chuyển đổi số trong sản xuất, quảng bá và tiêu thụ nông sản, từ đầu năm đến nay, hơn 500 tấn trái cây của nông dân Sơn La đã được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Sơn La hiện có khoảng 3.250 doanh nghiệp và 806 hợp tác xã. Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tận dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá cũng như tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tập trung đẩy mạnh tập huấn, phổ biến các kiến thức, kỹ năng trong thương mại điện tử cho các hợp tác xã, người dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức các hội nghị tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh về các văn bản quy phạm pháp luật cùng kiến thức cần thiết khi tham gia kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Phối hợp với các sàn thương mại điện tử như Postmart, Sendo, Voso tổ chức buổi hướng dẫn cho hợp tác xã trên địa bàn các huyện, TP. Sơn La, Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu cách thực hành tạo lập gian hàng và thực hiện việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các website thương mại điện tử và phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh.
Riêng Hội nông dân Sơn La, đến nay đã phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân đưa hơn 130 sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn. Đồng thời, hỗ trợ trên 19.500 hộ nông dân tiếp cận, kết nối với các sàn thương mại điện tử.
Trong sản xuất nông nghiệp, Hội nông dân Sơn La đã xây dựng thí điểm các mô hình, như áp dụng công nghệ để theo dõi độ ẩm của đất, độ ẩm không khí, độ PH, lượng phân, hoạt động tưới tiêu... cho hợp tác xã, hộ nông dân. Từ đó, tích cực nhân rộng mô hình hiệu quả.
Tuy nhiên theo Hội nông dân tỉnh Sơn La: Việc chuyển đổi số với nông dân Sơn La còn nhiều khó khăn, vì bà con vốn quen với sản xuất truyền thống; để thay đổi tư tưởng, cách làm thì cần thời gian, quá trình; trình độ hội viên nông dân cũng khác nhau, đa số còn thấp, nhất là ở vùng cao, vùng sâu vùng xa... Vì vậy, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức cho người dân, để người dân hiểu chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là xu thế tất yếu.