"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua"...
Hình ảnh ông đồ với mực tàu giấy đỏ đậm nét văn hóa truyền thống đầu năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Câu thơ trong bài "Ông đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên đã gieo vào lòng biết bao thế hệ về nét đẹp văn hóa đầu xuân của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng.
Niềm vui xin chữ |
Kể từ ngày "Phố ông đồ" được hoạt động một cách quy mô và duy trì đều đặn trở lại tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm nào nơi đây cũng thu hút đông đảo người dân từ khắp nơi đổ về.
Không chỉ xin chữ Hán, chữ Nôm, việc xin chữ mở rộng ra với chữ Quốc ngữ cho những người yêu thư pháp.
Những nét "phượng múa rồng bay" hình thành dần những chữ theo mong ước hiện dần trên giấy điều mực đen trước ánh mắt mãn nguyện của người xin chữ.
Rất nhiều gương mặt háo hức và vui mừng khi xin được chữ đúng mong ước, gửi gắm những kì vọng cho năm mới.
Cùng Phố Sách, Phố bích họa, Hoàng Thành Thăng Long... Phố ông đồ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang đến những nét xuân rất đậm đà văn hóa cho Hà Nội.
Mỗi địa điểm một nét riêng biệt vừa mang tính truyền thống vừa có vẻ hiện đại, khắc sâu những vẻ đẹp văn hóa của Thủ đô.
Nếu như trước đây chúng ta thường gặp những ông đồ râu tóc bạc phơ thì nay đã có thêm những ông đồ Tây, bà đồ, những nhà thư pháp trẻ tuổi tham gia viết chữ tại đây.
Điều này cho thấy tính cởi mở, linh hoạt để phù hợp với xã hội hiện đại của hoạt động này và cũng phần nào cho thấy Hà Nội là nơi hội tụ, thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân, du khách khắp nơi.
Bởi vậy, nơi đây không chỉ là điểm du xuân mà còn là nơi các gia đình giáo dục truyền thống cho con cái, trải nghiệm những hoạt động ý nghĩa bên nhau đầu xuân.
Đây cũng là một trong những hoạt động thu hút khách du lịch, giới thiệu vẻ đẹp của Hà Nội tới các tỉnh thành khác và bạn bè năm châu.