Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 khóa 13. Ảnh: vov.vn
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn hiện nay, giá đất không theo giá cả thị trường mà được các nhà đầu cơ, cò đất “thổi giá”, thậm chí đẩy cao gấp nhiều lần. Hiện tượng bất thường về vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) hồi đầu năm nay là một ví dụ. Xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng “dự án ảo”, “dự án ma” với mục đích lừa đảo, buôn bán lòng vòng. Những nơi có các dự án kinh tế, mở đường, quy hoạch dân cư… diễn ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, thậm chí phá cả rừng nguyên sinh để chiếm đất. Theo báo cáo của Quốc hội và các cơ quan chức năng tiếp công dân, có đến hơn 70% vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai.
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Ban Dân nguyện Quốc hội còn nêu ra con số ở Phú Quốc (Kiên Giang) số vụ việc tăng đến 96%. Nghĩa là nơi nào đất đai có giá cao, đất tăng nóng, cán bộ quản lý có tiêu cực thì tỷ lệ này tăng cao, trật tự xã hội phát sinh nhiều phức tạp.
Đất đai thuộc loại hàng hóa đặc thù, chủ sở hữu và chủ sử dụng đều là những chủ thể đặc biệt. Nếu không có cơ chế điều tiết thích hợp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế vĩ mô, gây nên hệ quả phát triển thiếu bền vững. Ở những thời điểm “sốt đất”, mặt bằng giá bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thật là bất hợp lý.
Theo quy luật chung, muốn kinh tế phát triển phải đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới sinh ra của cải cho xã hội. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, người ta chạy theo đầu tư bất động sản, là môi trường chỉ sinh lợi cho một bộ phận, tạo nên “bong bóng”, giá trị ảo. Các nhà kinh tế đánh giá, nếu đầu tư cho bất động sản tỷ lệ dưới 1/3 là hợp lý, nhưng theo tính toán thì tỷ lệ này trên thị trường hiện nay chiếm 2/3 là không phù hợp. Với nguồn đầu tư thiếu cân đối như vậy sẽ khó cho nền kinh tế nước ta phát triển bền vững. Kinh nghiệm ở một số nước trong việc quản lý kinh doanh bất động sản đang là bài học cho chúng ta rút kinh nghiệm.
Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa 11 về đổi mới chính sách đất đai đã có chuyển biến, nhưng cũng đã phát sinh nhiều vấn đề mới. Cơ chế quản lý và Luật Đất đai 2013 đang còn nhiều bất cập cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Nhà nước là chủ sở hữu đất đai nhưng khi cần thu hồi vì mục đích chung lại vướng cơ chế về quyền sử dụng, biến động của giá cả thị trường gây khó khăn cho đền bù, giải tỏa. Mặt khác, dù đã có Luật tiếp cận thông tin nhưng các cấp quản lý hiện nay chưa thực sự công khai đất quy hoạch dẫn đến phát sinh tranh chấp khi thu hồi đất. Số đối tượng xấu, số đầu cơ, "cò đất" tung tin làm nhiễu loạn, gây phản ứng chống đối, khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định xã hội. Vì lợi ích cục bộ, những người có trách nhiệm cố tình làm sai quy hoạch, chuyển giá trị có lợi cho doanh nghiệp, thu lợi bất chính cho nhóm lợi ích, chính sách về đất đai bị làm sai lệch.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Trung ương 5 khóa 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Nhiều người ta giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới 70% vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai”. Như vậy, cơ chế quản lý đất đai vừa là tầm vĩ mô, vừa khắc phục bất cập trong phân hóa giàu nghèo, đạo đức xã hội và các quan hệ khác. Những hệ quả từ sốt đất, tiêu cực từ quản lý, những vụ việc xảy ra liên quan đất đai đòi hỏi phải sớm hoàn thiện thể chế quản lý, điều chỉnh, bổ sung vào các luật liên quan.
Trung ương đã thống nhất ban hành nghị quyết mới về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” là một chủ trương đúng đắn.
Trước hết, cần bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện Luật Đất đai (năm 2013) và các chính sách, cơ chế quản lý. Tiếp tục khẳng định: Nhà nước là chủ thể sở hữu, có quy hoạch sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Cần phải chủ động quy hoạch trước khi bắt tay thực hiện, không để phát sinh xung đột về quyền an cư của người dân theo Hiến pháp. Người dân được hưởng quyền sử dụng công bằng, bền vững, được Nhà nước bảo hộ và thực hiện quyền, nghĩa vụ với Nhà nước. Thực hiện chính sách quản lý hiệu quả về kinh doanh đất đai theo cơ chế thị trường có điều tiết của Nhà nước, đảm bảo lành mạnh thị trường đất đai, khắc phục những yếu kém, tiêu cực trong quản lý, nhất là chính sách tài chính khi thu hồi đất, tạo được sự đồng thuận của người dân. Những vấn đề liên quan cần được minh bạch, tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin chính xác, đầy đủ. Chính sách, quy định, thủ tục về đất đai cần công khai để người dân thực hiện và chủ động trong giao dịch, không để mập mờ phát sinh tiêu cực. Những vấn đề phát sinh cần được xử lý kịp thời, đảm bảo an ninh trật tự, ổn định xã hội.
Tài nguyên đất đai là nguồn lực to lớn của đất nước. Khắc phục những yếu kém, tồn tại chính là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất đai. Nếu không trân trọng, sử dụng đúng mục đích sẽ làm mất nguồn lợi vô giá từ đất đai đem lại.
NGUYỄN PHƯỚCKHÁNH